Quỹ PYN Elite lỗ lớn trong bão Covid-19

(ĐTCK) Quỹ ngoại PYN Elite vừa có tháng thứ 6 thua lỗ liên tiếp. Chỉ tính riêng trong tháng 3, giá trị tài sản quản lý của Quỹ đã giảm 96 triệu euro, tương đương 2.451 tỷ đồng. 
Quỹ PYN Elite lỗ lớn trong bão Covid-19

Tài sản giảm hơn 2.450 tỷ đồng trong tháng 3

Theo báo cáo kết quả hoạt động đầu tư tháng 3/2020 vừa được công bố, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV per share) của Quỹ PYN Elite giảm 29% so với hồi đầu năm, tương đương với mức giảm 31% của chỉ số VN-Index.

Ðáng chú ý, riêng trong tháng 3, VN-Index giảm 25% và NAV per share của PYN Elite cũng lao dốc sâu 26,78%.

Như vậy, quỹ ngoại này đã có 6 tháng đầu tư thua lỗ liên tiếp. Tính riêng tháng 3, giá trị tài sản quản lý của PYN Elite giảm 96 triệu euro (tương đương 2.451 tỷ đồng), xuống còn 299 triệu euro.

Nhận định diễn biến thị trường, PYN Elite cảm thán: “Tháng 3 hoàn toàn là một cú đánh knock out” khi giá dầu lao dốc, thị trường chứng khoán trải qua các phiên giao dịch hoảng loạn khiến đà bán tháo diễn ra ở mức chưa từng có, các ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp ngay lập tức.

Trên thị trường toàn cầu, chỉ số S&P 500 giảm 20% kể từ đầu năm và 13% trong tháng 3. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông cũng lao dốc tương tự”.

Kể từ đầu năm 2020 tới nay, PYN Elite thường có những nhận định đầy lạc quan với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong đó, có những phát ngôn “gây bão” như “VN-Index hướng tới mục tiêu 1.800 điểm” trước khi dịch Covid-19 diễn ra, hay tuyên bố “tất tay” (All in) khi thị trường lao đao vào tháng 2 bởi đại dịch toàn cầu.

Ðáng chú ý, hành động của PYN Elite lại không nhất quán với các tuyên bố. Trong giai đoạn kể từ khi dịch bệnh diễn ra tới nay, PYN Elite là quỹ có sức bán ra mạnh nhất, hoàn toàn áp đảo các quỹ còn lại trên thị trường.

Tổng cộng, quỹ này đã bán ròng hơn 27 triệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng gần đây.

Sau khi tuyên bố “tất tay” trên thị trường vào cuối tháng 2/2020 với nhận định cổ phiếu Việt Nam đang được định giá rất rẻ, tới cuối tháng 3/2020, ông Petri Deryng, người sáng lập PYN Fund Management, nhà quản lý quỹ PYN Elite tiếp tục nhấn mạnh, cổ phiếu tại thị trường Việt Nam đã rẻ tới mức khó làm ngơ, bởi đã giảm 43% trong hơn 2 năm qua.

Theo nhà quản lý quỹ này, lượng tiền mặt gia tăng của Quỹ trong thời gian qua sẽ được dùng để mua vào các cổ phiếu đang có mức giá hấp dẫn.

Vậy nhưng, trong báo cáo mới nhất, tỷ trọng tiền mặt nắm giữ của Quỹ tăng lên mức 9% so với con số 7% cách đó 1 tháng.

Ðặt niềm tin vào nhóm ngân hàng?

Theo PYN Elite, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bị bán ra mạnh mẽ bởi triển vọng tăng trưởng chậm lại và nỗi lo nợ xấu gia tăng, tuy nhiên, nỗi lo này là quá đà.

Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cũng như hoạt động cho vay tại các lĩnh vực rủi ro cao, bao gồm bất động sản, vay tiêu dùng…

Những người đi vay có rủi ro cao (chẳng hạn nhà đầu tư dự án BOT) không dễ gì tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng từ các nhà băng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng đòn bẩy thấp và nắm giữ nhiều tiền mặt.

Top 50 công ty tại Việt Nam có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 32%, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp có vị thế tương đương tại Mỹ hay châu Âu.

Các doanh nghiệp nhỏ hơn thì không thể vay các khoản lớn tại ngân hàng, thậm chí không vay tiền ở nhà băng. Do đó, nhóm ngân hàng không có khả năng chịu rủi ro lớn từ việc vỡ nợ của doanh nghiệp như tại thị trường Mỹ.

Cũng theo PYN Elite, thị trường vốn Việt Nam mới chỉ mở cửa phần nào với nhà đầu tư quốc tế, bởi vậy, có ít doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu bằng đồng USD, từ đó hạn chế các tác động của những cú sốc từ bên ngoài.

Nhìn vào Top 10 cổ phiếu đang nắm giữ của PYN Elite, dễ nhận thấy nhóm ngân hàng ở vị trí nổi bật, với những tên tuổi như TP Bank (10,94%), VietinBank (7,99%), HD Bank (7,49%).

PYN Elite nhân định, các công ty cốt lõi mà Quỹ đang nắm giữ có thể sinh tồn trong môi trường lãi suất cao hơn và nhu cầu xuất khẩu hàng hoá yếu hơn hiện nay.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của nhóm này chỉ là 27% và hơn một nửa số doanh nghiệp đang ở vị trí nắm giữ tiền mặt ròng.

Ða phần các công ty đều hoạt động tập trung tại thị trường nội địa, ngoại trừ FPT có 13% doanh thu xuất phát từ khách hàng nước ngoài.

Việc đánh giá lạc quan về nhóm ngân hàng của PYN Elite khiến nhiều người liên tưởng tới câu chuyện vào cuối năm 2019, quỹ này đã dành những lời “có cánh” để nói về triển vọng tăng trưởng của MWG và đưa ra mức giá mục tiêu hơn 200.000 đồng/cổ phiếu với mã này, trước khi bán ra một nửa lượng cổ phiếu MWG đang nắm giữ, thu về hàng trăm tỷ đồng.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục