CTCP Thế giới Di động (MWG) trải qua một năm khác hẳn với các năm trước khi giá cổ phiếu tăng thấp hơn VN-Index, khiến tỷ lệ cổ phiếu ESOP phải điều chỉnh giảm. Năm 2019, MWG đặt kế hoạch kinh doanh cao với lợi nhuận tăng 37% trong bối cảnh ngành hàng điện thoại - điện máy tăng trưởng thấp.
Ghi nhận tại các công ty bất động sản như Ðất Xanh hay LDG, các doanh nghiệp này đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thận trọng để đảm bảo thực hiện được, trong khi quyết tâm từ nội bộ là sẽ phấn đấu vượt kế hoạch.
Các công ty khác mới công bố kế hoạch trước thềm ÐHCÐ như Phát Ðạt, Nam Long đều duy trì mức tăng lợi nhuận 2 con số trở lên. Ðiều này trái với bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản đang đóng băng nguồn cung ở TP. HCM.
Các công ty xây dựng lớn cũng thận trọng lên kế hoạch trong môi trường kinh doanh năm nay. CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng để nội bộ phấn đấu.
Theo quan điểm của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HÐQT HBC, nếu đặt một kế hoạch an toàn thì Ban lãnh đạo không bị áp lực, nhưng cả hệ thống sẽ không có động lực để phấn đấu.
Trong khi đó, Coteccons dù đặt kế hoạch doanh thu 2019 tăng trưởng, nhưng lợi nhuận giữ ở mức tương đương năm 2018 thể hiện những khó khăn của thị trường xây lắp còn hiện hữu. Tuy nhiên, Coteccons đang và sẽ thúc đẩy dự án góp vốn đầu tư để sớm cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Tại CTCP Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), sau năm 2018 đạt kết quả yếu ớt, CII đang đặt mục tiêu lấy lại niềm tin của cổ đông bằng kế hoạch lợi nhuận tăng bằng lần.
Tuy nhiên, do đặc thù ngành, CII cũng đồng thời đưa ra lưu ý rằng, kế hoạch đặt ra nếu chính sách trong lĩnh vực hoạt động không thay đổi.
Tại CTCP Cơ điện lạnh (REE), kế hoạch kinh doanh năm 2019 giảm 19%, nhưng theo phân tích của giới tài chính, REE có thể hoàn thành vượt kế hoạch do các công ty liên kết thường đặt kế hoạch năm thấp và sẽ hoàn thành vượt vào cuối năm.
Sự thận trọng của doanh nghiệp phản ánh vào giá cổ phiếu. Hầu hết sau ÐHCÐ, giá cổ phiếu doanh nghiệp đều giảm nhẹ theo áp lực giảm điểm chung của thị trường. Không công ty nào có kế hoạch kinh doanh vượt trội đủ để chiến thắng áp lực giảm của thị trường chung.
Tuy nhiên, mức giảm khá nhỏ cũng phản ánh một tâm lý: Không có gì quá xấu để bán tháo cổ phiếu. Vấn đề là người có tiền đang không vội vàng khi mà thị trường còn trong xu hướng giảm. Cần thêm thời gian để kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thành hiện thực và giá trị doanh nghiệp cải thiện. Ðây mới thực sự là động lực cho giá cổ phiếu tăng lên mặt bằng giá mới.
Mỗi ngày, hàng vạn nhà đầu tư vẫn tập trung vào bảng điện, tìm cơ hội giao dịch theo xu thế. Phía sau sự lên xuống của VN-Index, câu chuyện đáng quan tâm hơn là sức tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết.
Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp vững bước phát triển, đồng thời biết cách thể hiện giá trị của mình ra công chúng, thì nhịp tăng giá, phục hồi của thị trường là điều tất yếu sẽ đến.
Mong sao những “cánh chim đầu đàn” vững mạnh, để thị trường sớm bước lên nền tảng mới cao hơn.