Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) Trần Hải Hà cho biết, tại Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) tới đây, MBS sẽ trình cổ đông nhiều kế hoạch quan trọng, trong đó có việc trả cổ tức 7% bằng tiền mặt, chuyển sàn sang HOSE và dự tính sẽ tăng vốn thêm 400 tỷ đồng để có thêm nguồn lực tài chính cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.
Tại nhiều doanh nghiệp khác, bài toán chủ động nguồn vốn cho mục tiêu kinh doanh 2019 cũng được thể hiện khá rõ nét gần đây.
Tại ÐHCÐ Công ty cổ phần Ðầu tư LDG (LDG) vừa qua, đa số cổ đông biểu quyết lựa chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu 25%, thay cho phương án trình là 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Chủ tịch HÐQT LDG Nguyễn Khánh Hưng chia sẻ tại Ðại hội rằng, khi bàn về phương án chia cổ tức có hai luồng ý kiến khác nhau. Cá nhân ông thích phương án chia cổ tức bằng tiền mặt 10% và 15% bằng cổ phiếu như tờ trình Ðại hội, vì sau một năm có một chút tiền mặt mang về cổ đông vui, nhất là khi tình hình tài chính Công ty đang ổn. Tuy nhiên, Chủ tịch LDG đã nhường quyền quyết cho cổ đông Công ty, vì “phương án chia cổ tức như thế nào cũng có mặt lợi và chưa lợi”.
Cuối cùng, nhóm cổ đông lớn chiếm gần 43% vốn điều lệ của LDG đã bỏ phiếu cho phương án của mình là chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu. Như vậy, cổ đông đã đồng lòng chấp nhận một năm không nhận tiền mặt, để Công ty có thêm nguồn lực tài chính chủ động nhằm hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh.
Câu chuyện tại Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVT) cũng tương tự. Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT chia sẻ với cổ đông rằng, năm 2019, thu xếp vốn sẽ gặp khó khăn do tín dụng bị thắt lại nên mức cho vay sẽ bị hạn chế.
Vì thế, việc đa dạng hóa các nguồn vốn rất quan trọng để bổ sung nguồn vốn, thay thế vốn vay ngân hàng. PVT có chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn và các cổ đông đã đồng thuận với quan điểm của người lãnh đạo.
Tại Vingroup, Tập đoàn đang dự kiến chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phần (tương đương 7,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho tối đa 5 nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài, với mức giá không thấp hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, huy động ít nhất 25.000 tỷ đồng. Ðây là cách giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính chủ động cho các hoạt động kinh doanh trên chặng đường dài.
Bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, nét mới mùa Ðại hội năm nay là các doanh nghiệp có nhiều hơn phương án chủ động tìm nguồn lực tài chính trên con đường phát triển. Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu, một số doanh nghiệp khác dự tính gọi vốn bằng trái phiếu.
Lãi suất huy động được chào quanh mức 8 - 13%/năm, có thể cao hơn lãi suất cho vay của một số ngân hàng, nhưng dùng trái phiếu gọi vốn là cách doanh nghiệp có được nguồn tài chính chủ động, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp hoàn thiện, thẩm định uy tín của mình trên thương trường.
Khi doanh nghiệp xây dựng được niềm tin với các cổ đông, câu chuyện về dòng cổ tức hay lợi ích ngắn hạn có thể sẽ được nhường lại cho những khát vọng chung tay giúp doanh nghiệp lớn hơn trong chặng đường dài phía trước. Ðây có lẽ là một nét mới trong tâm lý mùa đại hội 2019.
Tuy nhiên, sự thành công trong việc gọi vốn cũng như thực thi các mục tiêu kinh doanh năm mới còn phải chờ đợi các yếu tố khách quan thuận lợi, đặc biệt là diễn tiến thị trường chứng khoán và sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung.