Điểm nóng mùa Đại hội 2019

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư chờ đợi mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2019 với hy vọng doanh nghiệp chuẩn mực hơn trong việc thực hiện lời hứa của mình. Đó không chỉ là cam kết về kế hoạch kinh doanh, mà còn là là cổ tức, tăng vốn, chuyển sàn…
Điểm nóng mùa Đại hội 2019

Điểm nóng Kế hoạch kinh doanh

Kế hoạch kinh doanh là một trong những nội dung chính yếu nhất mà các cổ đông quan tâm tại mỗi kỳ ĐHCĐ, do đó, với những doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch cổ đông giao phó, áp lực “giải trình” sẽ rất lớn.

CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) là doanh nghiệp nhiều năm liền lỗi hẹn với cổ đông về việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh và 2018 không phải ngoại lệ. Do đó, kế hoạch năm 2019 với doanh thu dự kiến 4.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng ngay lập tức khiến cổ đông nghi ngại về khả năng thực thi.

Trong bối cảnh này, tại ĐHCĐ 2019 mới đây, ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG chia sẻ, Công ty đã xác định chiến lược lâu dài để chinh phục các thị trường lớn, không phải đối phó từng năm. Kế hoạch năm 2019 được đặt ra dựa trên kịch bản bất lợi nhất. Theo đó, HVG không có từ phá sản hay không cân đối được.

Ngoài ra, trong năm 2019, HVG nói không với việc chia cổ tức, đồng thời dự kiến không chi thù lao cho HĐQT cùng Ban kiểm soát.

Danh sách các doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018 có sự góp mặt của khá nhiều tên tuổi thuộc lĩnh vực ngân hàng và bất động sản. Trong đó, tại Eximbank (EIB), do chi phí và dự phòng tăng mạnh nên nhà băng này bất ngờ báo lỗ 247 tỷ đồng quý IV/2018, kéo theo lợi nhuận cả năm chỉ đạt hơn 660 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2017 và hoàn thành 55% kế hoạch cả năm 2018.

Tại CTCP Địa ốc Hòa Bình (HBC), doanh nghiệp chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế 627 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước đó và chỉ hoàn thành 60% so với kế hoạch lãi sau thuế 1.068 tỷ đồng đã được ĐHCĐ đề ra.

Do giá vốn tăng cao khiến Thép Việt Ý (VIS) ghi nhận lỗ kỷ lục cả năm 2018 lên tới 326 tỷ đồng, trong khi mục tiêu kinh doanh năm 2018 là lãi trước thuế hơn 90 tỷ đồng. Câu chuyện thua lỗ đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều của cổ đông bởi 2018 là năm chuyển giao lớn của VIS, khi Công ty chính thức về tay đối tác Nhật Bản.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện VIS cho biết, chi phí tăng mạnh, biến động giá thép, cộng với cầu vượt cung là lý do đẩy doanh nghiệp vào vòng thua lỗ. Bước sang năm 2019, kế hoạch kinh doanh của VIS đang được xây dựng với kịch bản khả quan hơn, cụ thể sẽ trình bày tại ĐHCĐ dự kiến trong tháng 3 tới. 

Câu chuyện chuyển sàn

Một số doanh nghiệp “lỗi hẹn” với kế hoạch chuyển sàn từ năm 2018. Điều này sẽ được cổ đông đưa ra chất vấn tại ĐHCĐ năm nay. Nhiều cổ đông cho biết, thông tin về việc chuyển sàn niêm yết đã khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp tăng lên ở thời điểm đó, thế nhưng vì thủ tục chuyển sàn chậm trễ khiến cho giá cổ phiếu rơi vào cảnh lình xình.

Năm 2018, ĐHCĐ CTCP Tư vấn Xây dựng điện 2 (TV2) có đưa ra tờ trình về kế hoạch chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HOSE, thời gian dự kiến thực hiện trong quý III/2018.

Nhưng nội dung đó không biểu quyết tại ĐHCĐ, mà chỉ là thông báo tới cổ đông, phương án chi tiết sẽ được xin ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ bất thường. Anh H. Khánh, cổ đông TV2 cho biết, việc niêm yết ở HOSE hay HNX không quan trọng, bởi sàn nào cũng có những ưu thế riêng.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã lên kế hoạch thì nên thực hiện để giữ uy tín, thế nên một trong những nội dung “chất vấn” lãnh đạo TV2 tại ĐHCĐ năm 2019 chính là thời gian chuyển sàn.

Đối với TV2, bên cạnh câu chuyện chuyển sàn, thì tờ trình phân phối lợi nhuận, kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu cũng được cổ đông quan tâm bởi đây là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức với tỷ lệ “khủng” và thị giá cổ phiếu nằm trong Top đầu của thị trường. Năm 2018, TV2 thực hiện chia cổ tức 110% vốn điều lệ, trong đó 10% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu.

Không chỉ TV2, một số doanh nghiệp lớn đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) hay CTCP Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú (MPC) đã lên kế hoạch sản giao dịch từ UPCoM lên HOSE trong năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng cũng đã lỡ kế hoạch chuyển sàn, niêm yết trong năm 2018. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mặc dù đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ đầu năm 2017 và tại ĐHCĐ năm 2018 thông qua kế hoạch chuyển sang sàn HOSE nhưng không kịp thực hiện. VIB đã đẩy lùi kế hoạch chuyển sàn trong năm 2019 và sẽ thông báo tới cổ đông lộ trình cụ thể tại cuộc họp ĐHCĐ tới.

LienVietPostBank dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2019 vào cuối tháng 3. Trong tài liệu chuẩn bị cho Đại hội sắp tới, Ngân hàng thông báo sẽ chuyển niêm yết sang HOSE trong năm nay cùng với kế hoạch tăng vốn và bứt phá trong hoạt động sau năm 2018 kinh doanh không mấy thuận lợi. 

Điểm nóng cổ tức

Tại mùa ĐHCĐ năm nay, chưa nhiều doanh nghiệp tiết lộ thông tin về kế hoạch chi trả cổ tức, đặc biệt là những khoản cổ tức lớn. Diễn biến này càng gây áp lực với những doanh nghiệp đã từng chi trả cổ tức cao trong năm 2018.

Còn nhớ, tại ĐHCĐ năm 2018, CTCP Vimeco (VMC) đã quyết định chi trả cổ tức với tỷ lệ 100% bằng tiền mặt. Ngày 8/3/2019 tới đây, VMC sẽ tiến hành họp ĐHCĐ năm 2019, song mức cổ tức năm nay dự kiến sẽ khó “đột biến” như năm vừa qua. Bởi hiện tại, mức vốn điều lệ của VMC đã được nâng từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng so với năm 2018.

Một số doanh nghiệp đã chốt việc chi trả cổ tức cao như VCS, SVI… hay TV2 với tỷ lệ cổ tức dao động từ 60 - 100%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu cũng đang khá “thận trọng” trong việc quyết định chi trả cổ tức năm 2018, cũng như lên kế hoạch cho mức cổ tức năm 2019. Năm 2018, “quán quân” về cổ tức thuộc về CTCP Vinacefe Biên Hòa (VCF) khi chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 660%.

Những doanh nghiệp chi trả cổ tức cao có phần áp lực với kế hoạch trong năm mới, nhưng những doanh nghiệp không chi trả cổ tức, thậm chí chây ỳ, nợ cổ tức nhiều năm cũng đang đối diện với áp lực giải trình trong mùa ĐHCĐ lần này. Đặc biệt là những doanh nghiệp dù đã chốt danh sách cổ đông, thị giá cổ phiếu điều chỉnh theo tỷ lệ cổ tức chi trả, nhưng thời điểm cổ đông thực sự nhận được cổ tức vẫn là ẩn số lớn.

Đơn cử, CTCP Sông Đà 4 (SD4) đã thông báo thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2016 bằng tiền 1.500 đồng/cổ phiếu sang ngày 24/4/2019 thay vì ngày 17/12/2018 như dự kiến, do nguồn tiền thanh toán từ chủ đầu tư tại các công trình mà Công ty đang thi công chưa thực hiện được.

Tại CTCP Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến Trung (TTZ), sau khi chốt danh sách trả cổ tức cho cổ đông vào ngày 28/2/2018 với thời gian thanh toán dự kiến là 2/4/2018, Công ty đã xin lùi thời hạn thanh toán đến ngày 30/12/2018, sau đó tiếp tục lùi thêm 1 năm cho đến ngày 30/12/2019. Nguyên nhân là một số đối tác xin lùi thời hạn thanh toán và chưa xác định được thời hạn thanh toán chính xác, dẫn đến việc Công ty cần có thêm thời gian để cân đối đủ nguồn chi trả.

Thậm chí, tại CTCP Simco Sông Đà (SDA), CTCP Sông Đà 9.06 (S96), cả 2 doanh nghiệp này lùi lời hứa sẽ thanh toán cổ tức năm 2016 từ tháng 12/2018 đến cuối năm 2021, tức là sau 3 năm nữa cổ đông mới có thể nhận được cổ tức, trong khi tồn tại nguy cơ không thể nhận được khoản này.

Thống kê số liệu trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam 3 năm gần đây cho thấy, xét tỷ lệ trả cổ tức từ 15% trở lên thì các nhóm ngành dược phẩm, vật liệu xây dựng, tiêu dùng, thực phẩm, hóa chất, thép, bảo hiểm… thường có số lượng doanh nghiệp trả cổ tức cao hơn so với các ngành khác. Những doanh nghiệp chi trả cổ tức đột biến lên đến 100% cũng không nằm ngoài các ngành vừa nêu.

Theo đó, các doanh nghiệp cơ bản, có lợi thế cạnh tranh trong ngành, có triển vọng đạt kết quả kinh doanh khả quan đều là những cổ phiếu chất lượng với tỷ lệ trả cổ tức cao. Trong khi đó, vẫn có những doanh nghiệp thường xuyên chây ỳ chi trả cổ tức, phổ biến ở một số doanh nghiệp trong “họ” Sông Đà, khi các doanh nghiệp ngành này tụt dốc kinh doanh trong vòng 3 năm trở lại đây. 

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ