Mùa đại hội cổ đông đến sớm

(ĐTCK) Ngay đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn về nhiều nội dung trọng yếu như thay đổi nhân sự cấp cao, thông qua đường hướng kinh doanh mới.
Các doanh nghiệp "họ" dầu khí liên tục tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc thay đổi nhân sự cấp cao. Các doanh nghiệp "họ" dầu khí liên tục tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc thay đổi nhân sự cấp cao.

n ào và gây chú ý nhất trong tuần qua là Đại hội đồng cổ đông bất thường của Tổng công ty Vinaconex (mã chứng khoán VCG). Đại hội được tổ chức ngay sau khi SCIC và Viettel hoàn tất việc bàn giao vốn cho các nhà đầu tư trúng đấu giá. Các gương mặt thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát mới toanh hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn ở doanh nghiệp này.

Ông Đào Ngọc Thanh, tân Chủ tịch Vinaconex cho biết, phần lớn các nhà đầu tư mới tham gia vào Vinaconex làm trong ngành xây dựng.

“Chúng tôi không phải là đại gia, cũng không làm trong ngành thương mại, không có ngân hàng. Chúng tôi muốn làm việc gì đó để giữ lại thương hiệu Vinaconex. Có lẽ một phần do cơ chế, một phần do trong thời gian dài, Vinaconex mải mê với những công việc khác mà không có tên trên các tòa nhà, các công trình ở phía Bắc Việt Nam.

Tôi đến đây với mong muốn để đưa tên của Vinaconex trên các tòa nhà. Vinaconex không phải chỉ là công ty xây lắp, mà là một thương hiệu đa dịch vụ. Chúng ta phải chọn được những ngành nghề gần gũi sát thực với ngành nghề của chúng ta”, ông Thanh chia sẻ mục tiêu bỏ vốn vào Vinaconex với các cổ đông.

Còn ông Nguyễn Xuân Đông, tân Tổng giám đốc Vinaconex bày tỏ: “Vinaconex là một thương hiệu tốt đã được phát triển 30 năm, nhưng do cơ chế nên không được phát triển đúng mức. Khi vào tay chúng tôi, với sự đoàn kết và đồng lòng, Vinaconex sẽ được phát triển lên rất nhiều. Trong tương lai, lĩnh vực đầu tư sẽ được chúng tôi coi là yếu tố then chốt, mảng xây lắp sẽ là trụ đỡ để phát triển mảng đầu tư”.

Thông điệp của những người chèo lái Vinaconex đã tạm thời khiến các cổ đông yên tâm và kỳ vọng vào những thay đổi tích cực tới đây. Trước khi diễn ra Đại hội, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, doanh nghiệp không có được sự đồng thuận giữa các cổ đông sẽ không biết đi đâu, về đâu?

Các doanh nghiệp thuộc "họ" dầu khí cũng có tuần sự kiện sôi động với hàng loạt đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức, nhằm thực hiện các thủ tục để thay đổi nhân sự cấp cao.

Theo đó, tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, ông Trần Ngọc Nguyên, vốn là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay cho người tiền nhiệm là ông Bùi Minh Tiến. Còn ông Bùi Minh Tiến lại được điều động về ngồi ghế Tổng giám đốc BSR.

Tại Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo), ông Nguyễn Tiến Vinh, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đảm nhận ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Lê Cự Tân, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị lại giữ chức Tổng giám đốc.

Trước đó, ông Lê Như Linh, nguyên Chủ tịch PVGas được điều động về giữ chức Tổng giám đốc PV Power.

Việc thay đổi, luân chuyển cán bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khiến cả người trong cuộc và thị trường đều thấy chóng mặt. Trong cuộc trao đổi với báo giới mới đây, ông Lê Như Linh chia sẻ: “Chúng tôi cũng phải quyết liệt tái cấu trúc hệ thống, không quyết liệt không được với Tập đoàn”.

Bản thân PVN đã cắt giảm thu gọn lại còn 10 đầu mối, tạo ra một cuộc cách mạng trong tái cơ cấu Tập đoàn. Bởi vậy, các đơn vị thành viên cũng phải vào cuộc quyết liệt không kém. Cắt giảm và sáp nhập các bộ phận nhằm giảm chồng chéo, dư thừa đang là yêu cầu buộc các doanh nghiệp họ dầu khí phải mạnh tay.

Năm 2019 được nhìn nhận là năm có nhiều khó khăn với doanh nghiệp họ dầu khí. Đơn cử, Đạm Cà Mau sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn khí đầu vào có nguy cơ không được cung cấp đủ để đảm bảo vận hành 100% công suất nhà máy, cơ chế giá khí đầu vào chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thị trường phân bón trong nước và khu vực cạnh tranh gay gắt do cung vượt cầu, nhu cầu phân bón giảm do chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và biến đổi khí hậu...

Tương tự, PV Power cũng chịu áp lực lớn từ biến động tỷ giá do có khoản vay nợ ngoại tệ lên tới 500 triệu USD, thiếu khí cho sản xuất điện… Ông Lê Như Linh đã chia sẻ: “Việc thiếu khí là hiện hữu, còn sản xuất điện hay đạm được ưu tiên, sẽ tùy thuộc vào mục tiêu cân đối vĩ mô, tùy từng thời điểm và sẽ do PVN điều tiết”.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục