Than Indonesia và Úc “đe dọa” Vinacomin

Mới đây, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: “Nhiều mỏ than ở Indonesia và Australia đang chào bán than cho chúng tôi, với giá thấp”. Thông tin này đồng nghĩa với việc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sẽ phải đối mặt với cạnh tranh về giá với than nhập khẩu giá rẻ.
Doanh thu 6 tháng đầu năm của Vinacomin đạt 55.529 tỷ đồng Doanh thu 6 tháng đầu năm của Vinacomin đạt 55.529 tỷ đồng

Hiện tại, kết quả kinh doanh của Vinacomin vẫn khá khả quan. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Vinacomin đạt 55.259 tỷ đồng, bằng 118% so với cùng kỳ năm 2013 và tương đương 52% kế hoạch năm. Tập đoàn hiện đảm bảo việc làm cho hơn 126.000 lao động, với mức thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong tương lai gần, việc Việt Nam phải nhập khẩu than sẽ ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận của Vinacomin.

PGS - TS. Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Vinacomin tìm thị trường và nhập khẩu thí điểm than để tìm ra phương án tối ưu. Theo đó, sớm nhất, năm 2016, ngành than sẽ phải nhập khoảng 6 - 7 triệu tấn than để phục vụ sản xuất điện. “Được giao nhiệm vụ là một chuyện, còn việc các chủ đầu tư nhà máy điện có mua than của Vinacomin hay không lại là chuyện khác, nhất khi giá than nhập khẩu sẽ rẻ hơn giá than  trong nước”, ông Phùng nói.

Trước đây, theo điều hành của Chính phủ, có thời điểm, EVN nợ Vinacomin tới 2.000 tỷ đồng và mua than theo giá “thấp hơn giá thành”. Điều này đã được ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin xác nhận nhiều lần.

Với nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và chủ trương thị trường hóa lĩnh vực năng lượng, thì việc nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm là yếu tố quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp năng lượng, trong đó có Vinacomin.

Hiện Vinacomin đang đối mặt với khá nhiều thách thức.

Trước hết là bộ máy lao động cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả. Như chính ông Trần Xuân Hòa, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinacomin đã từng cho biết, Vinacomin phải gánh từ 40.000 đến 50.000 lao động dôi dư. Tuy nhiên, việc cắt giảm số lao động dôi dư này không dễ.

Thêm vào đó, như TS. Nguyễn Thành Sơn (người đã có thâm niên gần 40 năm làm việc trong ngành than), nhận xét, thời gian qua, Vinacomin đã sai lầm khi lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác than lộ thiên và xuất khẩu than sang Trung Quốc.

Trong khi hơn 85% nguồn tài nguyên than của Việt Nam chỉ có thể khai thác bằng công nghệ hầm lò, nhưng gần 20 năm qua, Vinacomin chỉ dựa vào công nghệ khai thác lộ thiên để tăng trưởng. Hiện tại, chi phí khai thác than bằng công nghệ lộ thiên (dễ làm, rẻ tiền) đã cao hơn cả công nghệ hầm lò (khó làm, đắt tiền). Cụ thể, chi phí khai thác than của các đơn vị như Tổng công ty Đông Bắc, Công ty Tây Nam Đá Mài đã cao gấp 4 lần mức bình quân của thế giới…

Một vấn đề quan trọng khác là khả năng huy động vốn của Vinacomin rất yếu. Theo ông Sơn, khả năng huy động vốn của các mỏ than thuộc Vinacomin gần như không còn; hiện mức độ tín nhiệm của Vinacomin trên thị trường vốn ngày càng bị đánh giá thấp. Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của các mỏ than, đặc biệt là các mỏ hầm lò, đều vượt quá mức báo động, có mỏ cao gấp 5-8 lần vốn chủ sở hữu.

Long Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục