Thương vụ mua lại CMF là một bước đi trong chiến lược trở thành 1 trong 3 ngân hàng TMCP bán lẻ hàng đầu vào năm 2017.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014 - 2015 cho biết, từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, giúp các DN tập trung hơn vào những lĩnh vực kinh tế quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Trong đó, cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Riêng năm 2013, có 101 DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, trong đó, cổ phần hóa 74 DN (bao gồm 12 tổng công ty), chuyển thành công ty TNHH một thành viên 12 DN; sáp nhập, hợp nhất 12 DN, bán 3 DN.
Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành được quan tâm hơn với tổng vốn đã thoái trong giai đoạn 2011 - 2013 là 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài ngành, đạt 19,1%. Điều này cho thấy, 81% tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, tương đương 17.633 tỷ đồng cần phải thoái trong 2 năm 2014 - 2015. Đây là con số không nhỏ cho một giai đoạn nước rút.
Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, việc rút vốn, thoái vốn rất khó khăn, nhưng trên thực tế, các DNNN cũng đang rất nỗ lực thoái vốn đầu tư ngoài ngành, mà thương vụ Vinacomin bán CMF cho VPBank là ví dụ.
Được biết, Chính phủ vừa đồng ý về chủ trương cho phép Vinacomin bán 100% vốn điều lệ tại CMF cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Theo Công văn số 3221/VPCP-KTTH ban hành ngày 8/5/2014 của Văn phòng Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý về chủ trương và yêu cầu việc mua, bán phải tuân thủ quy định của pháp luật về sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng và pháp luật liên quan.
Phó Thủ tướng cũng cho phép HĐTV Vinacomin quyết định theo thẩm quyền việc bán vốn điều lệ tại CMF cho VPBank trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn, hiệu quả. Hai bên đang tiến hành các bước tiếp theo để hoàn tất thương vụ.
Ngày 30/5/2014, tại Công văn số 3707/NHNN-TTGSNH, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nguyên tắc việc VPBank mua lại CMF.
Trao đổi với ĐTCK về kế hoạch hoạt động của công ty tài chính khi chính thức “về một nhà” với VPBank, lãnh đạo Ngân hàng cho biết: “Sau khi hoàn tất việc mua lại CMF, VPBank sẽ chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay sang công ty mới, đảm bảo việc vận hành chuyên nghiệp hơn, tiếp tục mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng”.
Theo lãnh đạo của VPBank, việc mua lại CMF nhằm hiện thực hóa định hướng tập trung cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng, là một phần của chiến lược trở thành 1 trong 3 ngân hàng TMCP bán lẻ hàng đầu vào năm 2017 của Ngân hàng.
Báo cáo tài chính hợp nhất hết quý I/2014 của VPBank vừa công bố cho biết, tổng tài sản tính đến 31/3/2014 tăng 7,2%, phần lớn các mảng hoạt động đều tăng trưởng. Thu nhập lãi thuần quý I tăng 66% so với cùng kỳ 2013, lợi nhuận từ mảng dịch vụ cũng tăng 30%. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán tăng gấp ba so với cùng kỳ, từ 30 tỷ đồng lên 104 tỷ đồng. Hết quý I, tín dụng tại VPBank tăng 3,36% so với cuối năm 2013, trong khi huy động tiền gửi tăng 6,2%. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng cũng tăng ba lần so với cùng kỳ, lên 442 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, VPBank lãi ròng 157 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với quý I/2013. Cũng trong quý I, VPBank tuyển 522 thêm nhân sự mới. Đặc biệt, VPBank cũng vừa cùng lúc nhận 4 giải thưởng quốc tế: NHTM tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng có chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc, Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất Việt Nam 2014 và giải Sản phẩm ngân hàng tốt nhất 2014. Trong đó, VPBank là ngân hàng đầu tiên nhận giải NHTM tốt nhất Việt Nam do IFM trao tặng. Ngoài ra, năm 2013, với việc đạt tỷ lệ điện chuẩn (Straight Through Processing - STP) gần 98%, một tiêu chí đánh giá chất lượng thanh toán tự động, VPBank lần thứ 8 liên tiếp nhận giải “Ngân hàng có chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc” do BNYM trao. |