Thách thức kép với Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á (GDA)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi Mỹ tuyên bố tăng 25% thuế nhập khẩu thép, thì HRC - nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất tôn mạ, ống thép cũng đứng trước khả năng tăng giá, gây thách thức kép với các doanh nghiệp.
Thách thức kép với Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á (GDA)

Ngày 21/02, Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc, dao động từ 19,38% đến 27,83% và sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Theo Bộ Công thương, việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhập khẩu thép HRC, tránh gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất thép trong nước.

Hiện tại, Việt Nam chỉ có 2 đơn vị sản xuất được HRC là Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Nhiều tổ chức đánh giá, việc áp dụng thuế chống bán phá giá có thể mang lại cho Hoà Phát và Formosa sức mạnh thị trường vượt trội, gia tăng sản lượng và giá bán.

Trong đó, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, CFA Vũ Thế Duyệt nhận định, với mức thuế này, thép Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với Hoà Phát, nên đây sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy mạnh mẽ sản lượng tiêu thụ của Dung Quất 2.

Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ chạy thử nghiệm lò cao đầu tiên vào quý I/2025 trước khi đi vào vận hành chính thức, nâng công suất HRC hàng năm của Hòa Phát lên 5,6 triệu tấn. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, bổ sung thêm 2,8 triệu tấn, nâng tổng công suất lên 8,4 triệu tấn mỗi năm.

Trái với sự phấn khởi của Hoà Phát hay Formosa, việc áp thuế này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tăng giá nguyên liệu, tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất tôn mạ và ống thép ở hạ nguồn như Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Thép Nam Kim (mã NKG), Tôn Đông Á (mã GDA),…

Tại đánh giá trước đó, Chứng khoán Vietcap đã nhấn mạnh việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với HRC sẽ ảnh hưởng các nhà sản xuất tôn mạ trong nước khi họ sử dụng HRC làm nguyên liệu đầu vào. Các nhà sản xuất tôn mạ sẽ chỉ được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ.

Vào tháng 03/2024, các công ty tôn mạ, ống thép Việt Nam (gồm ba doanh nghiệp trên) đã có văn bản khẳng định, Hoà Phát và Formosa luôn bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá họ nhập khẩu từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 – 50 USD/tấn.

Hoà Phát và Formosa còn là hai doanh nghiệp duy nhất sản xuất được HRC tại Việt Nam với thị phần gần 80% ngành HRC nội địa, còn 20% được cung cấp bởi các công ty thương mại nhập khẩu HRC và bán lại cho các công ty tôn mạ và ống thép, chính điều này có thể dẫn đến khả năng độc quyền sản phẩm HRC đẩy giá nguyên liệu lên quá cao.

“Việc áp thuế phòng vệ thương mại hoặc xây dựng bất kỳ hàng rào thuế quan, phi thuế quan nào khác đối với HRC nhập khẩu đều làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép nội địa”, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ lo ngại.

Theo số liệu hải quan, trong năm 2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công thương khởi xướng điều tra vào tháng 07/2024, lượng thép nhập từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu của HRC tại thị trường Việt Nam là rất lớn và việc áp thuế chống bán phá giá có thể dẫn đến tăng giá HRC, gây áp lực lên chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Ở một diễn biến khác, chỉ cách đây ít ngày, các doanh nghiệp thép Việt đã nhận được tin không vui từ thị trường Mỹ (thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam năm 2024), khi nước này quyết định áp thuế 25% vào tất cả các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu nhằm bảo hộ các nhà sản xuất nội địa.

Công ty Chứng khoán MBS đánh giá, các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao như GDA (16%), NKG (13%) và HSG (9%) có thể sẽ giảm nhẹ biên lợi nhuận từ việc giảm giá bán. Dù vậy, sản lượng có thể không bị tác động đáng kể do Việt Nam đang chịu mức thuế ở mức ở mức 22 – 36% (thấp hơn so với các đối tác thương mại khác khi bị áp thuế trên 60%) và Mỹ cần thêm thời gian để tìm kiếm các nhà xuất khẩu mới.

HSG xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ với mức thuế suất khoảng 22 - 36% tuỳ mác thép, MBS dự báo HSG có thể phải giảm giá bán khoảng 3% đối với các sản phẩm hiện tại có mức thuế 22% nhằm duy trì thị phần. Tương tự, GDA xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ với mức thuế suất khoảng 22 - 36% nên cũng có thể phải giảm giá bán khoảng 3%. Trong khi NKG xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ với mức thuế suất khoảng 22 - 37%, để duy trì thị phần, NKG có thể phải giảm giá bán khoảng 4%.

Như vậy, nếu chi phí nguyên liệu đầu vào là HRC tăng dẫn tới giá thành sản phẩm tăng cao, các doanh nghiệp như Hoa Sen, Nam Kim hay Tôn Đông Á có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt là trên thị trường Mỹ, nơi hàng Việt Nam đã bị áp thuế 25%.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục