
Không quá lo lắng, nhưng đừng quên cẩn trọng
Nhằm bảo hộ các nhà sản xuất thép nội địa, ngày 11/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này, không có ngoại lệ hay miễn trừ, có hiệu lực từ ngày 4/3.
Tính đến cuối năm 2024, Mỹ là đối tác xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 13%, xếp sau ASEAN và EU. Do đó, với quyết định áp thuế trên, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam có thể bị tác động khi sản xuất các sản phẩm tôn mạ, HRC và CRC. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc tình trạng của từng doanh nghiệp.
Hiện các doanh nghiệp thép có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Thép Nam Kim, Công ty cổ phần Tôn Đông Á. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, chính sách trên có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thép, nhưng mức ảnh hưởng này không cao và chúng ta cần thêm thời gian để đo lường.
Trước mắt, chính sách này tác động không quá nghiêm trọng với doanh nghiệp Việt Nam. Kể cả các doanh nghiệp lớn tên tuổi trong ngành như Tập đoàn Hòa Phát, Hoa Sen hay Thép Nam Kim, thì tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ không nhiều trên tổng doanh số xuất khẩu. Do đó, ảnh hưởng có thể có, nhưng sẽ không tác động quá lớn đến cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp.
Điều thứ hai là chính sách này của ông Trump không nhắm vào Việt Nam. Mới đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper cũng khẳng định điều này. Đại sứ cho biết, năm 2025 là năm kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Mong muốn của phía Mỹ năm nay sẽ là năm bản lề để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, hiện thực hóa các cam kết và nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, trụ cột hợp tác kinh tế - thương mại sẽ đóng vai trò động lực chủ chốt thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương.
Việc Mỹ áp thuế trong thời gian qua không nhắm tới Việt Nam. Mỹ muốn duy trì mối quan hệ song phương, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.
- Đại sứ Marc E. Knapper
Điểm thứ ba, phong cách của ông Trump là vẫn có thể thương lượng. Ví như quyết định áp thuế 25% với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ cũng tác động lớn đến Ấn Độ. Chỉ vài giờ sau khi ông Trump công bố lộ trình áp dụng thuế quan “có đi, có lại” đối với mọi quốc gia đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra đề nghị đàm phán về việc nới lỏng thuế quan, mua thêm dầu, khí đốt và máy bay chiến đấu... Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí hướng tới một thỏa thuận để giải quyết các mối quan ngại về thương mại.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia được Mỹ dành sự quan tâm và là quốc gia nằm trong trục châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ muốn hỗ trợ, kết nối. Trước đó, ông Trump đã đến thăm Việt Nam hai lần, cho thấy thiện cảm cao của vị Tổng thống Mỹ này đối với nước ta. Gần đây, trước khi tái đắc cử, tập đoàn cá nhân của ông Trump cũng đã mở dự án đầu tư vào tỉnh Hưng Yên.
Giám đốc cấp cao KIS Việt Nam khẳng định: “Với những yếu tố trên, tôi cho rằng, chính sách này của ông Trump sẽ không đẩy các doanh nghiệp Việt đến trạng thái quá căng thẳng, lo lắng”.
Dù vậy, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần phải cẩn trọng ở một góc độ khác. Điều đáng lưu ý nhất hiện nay là việc ngành thép Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nhiều. Thị trường thép Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng khi khó bán vào thị trường Mỹ và tìm đến những thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc là một trong những quốc gia sản xuất thép mạnh với chi phí cạnh tranh, nên khả năng Trung Quốc đẩy hàng vào thị trường Việt Nam rất cao, ảnh hưởng đến giá cả và tình hình cung cầu thép trong nước.
“Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2008 xảy ra, đã có tình trạng doanh nghiệp thép Trung Quốc đầu tư mạnh vào Việt Nam để đẩy lượng tồn kho qua Việt Nam, thay tên đổi họ, thay nhãn mác để xuất vào thị trường Mỹ. Do đó, chúng ta cần cẩn trọng với tình trạng thép Trung Quốc ‘đội lốt” thép Việt để đi tiếp vào Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt”, ông Trương Hiền Phương cảnh báo.
Tăng sức mạnh nội tại trước các ẩn số khó lường
Trước những biến số khó lường, không chỉ đối với ngành thép mà các doanh nghiệp xuất khẩu khác, ông Trương Hiền Phương cho rằng, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt cần nâng cao sức mạnh nội tại.
“Các doanh nghiệp cần có phương án đa dạng hóa thị trường để hoạt động xuất nhập khẩu tránh bị lệ thuộc vào một thị trường. Khi chúng ta đã nỗ lực ở nhiều mặt từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, nhưng giả sử không thay đổi được chính sách về thuế, thì doanh nghiệp vẫn có các thị trường khác hỗ trợ và đảm bảo cho doanh thu xuất khẩu”, ông Phương nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng rất chú trọng vấn đề chống phá giá, do đó các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng trong các khâu đầu vào, đảm bảo các nguyên vật liệu nhập khẩu, chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ theo quy định.
Một lưu ý khác mang tính gián tiếp mà các doanh nghiệp Việt cần lưu ý là nâng cao việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Không chỉ về vấn đề giá cả, doanh nghiệp Việt cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để khi gặp bất lợi về thuế, so với sản phẩm của các quốc gia khác có cùng giá cả, thì sản phẩm có chất lượng vượt trội hơn vẫn sẽ bán được”, ông Trương Hiền Phương gợi ý.