Dù có mặt cách đây đã 50 năm với sự có mặt của Bảo Việt, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam thật sự khởi động sau ngày 18/12/1993 khi Chính phủ ban hành Nghị định 100/CP về kinh doanh bảo hiểm. Nghị định này có thể coi là bức thông điệp đầu tiên Chính phủ tuyên bố xóa bỏ cơ chế độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Cùng với công ty tái bảo hiểm Vinare, ngày 28/11/1994, Công ty Bảo hiểm TP. HCM (gọi tắt là Bảo Minh) với số vốn 40 tỷ đồng là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên được thành lập theo tinh thần trên của Chính phủ. Đây cũng có thể coi là bước ngoặt khởi đầu cho quá trình hình thành thị trường bảo hiểm Việt Nam, bởi trước đó, Việt Nam chỉ duy nhất có một công ty bảo hiểm là Bảo Việt (thành lập 15/01/1965).
Khởi đầu với số vốn ít ỏi so với các doanh nghiệp bảo hiểm hiện tại và chỉ có 84 nhân viên, sau 20 năm lực lượng lao động của doanh nghiệp này đã tăng hơn 20 lần, tính đến ngày 01/10/2014, nguồn nhân lực của Bảo Minh là 1.800 cán bộ nhân viên và 4.000 đại lý. Tổng tài sản 3.968 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.166 tỷ đồng, doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng, hàng năm nộp ngân sách nhà nước gần 150 tỷ đồng…
Trong 6 đầu năm 2014, Bảo Minh đạt tổng doanh thu 1.557 tỷ đồng, chiếm 10,24 % thị phần bảo hiểm phi nhân thọ (đứng thứ 3 trên thị trường).
Cũng như Bảo Minh, sau 20 năm hình thành và phát triển với số vốn điều lệ 40 tỷ đồng, kiên định với mục tiêu trở thành nhà tái bảo hiểm chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, Vinare đến nay đã lần lượt thực hiện thành công các sứ mệnh quan trọng của mình, là trung tâm thông tin thị trường; hỗ trợ giúp đỡ cho thị trường bảo hiểm, cho các công ty bảo hiểm mới thành lập trong việc thu xếp tái bảo hiểm và liên kết với các nhà tái bảo hiểm để thu xếp tái bảo hiểm ra thị trường quốc tế.
Từ một mô hình khá khiêm tốn ban đầu đó, đến nay Vinare đã trở thành một doanh nghiệp lớn trên thị trường bảo hiểm Việt Nam và khu vực, với quy mô vốn vốn điều lệ tăng trên 32 lần, đạt hơn 1.310 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 4.454 tỷ đồng. Năm 2014, Vinare dự kiến hoàn thành và hoàn thành vượt mức lợi nhuận 450 tỷ đồng.
Chào đón tuổi 50 vào thời điểm đầu năm 2015, nửa thế kỷ qua đi, cùng những thăng trầm của nền kinh tế, Tập đoàn Bảo Việt vẫn luôn duy trì sự tăng trưởng ổn định, xứng đáng vị trí doanh nghiệp “anh cả” của ngành bảo hiểm Việt Nam.
Năm 2014 đối mặt với những khó khăn chưa hết của nền kinh tế, nhưng Bảo Việt dự kiến tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 7 - 8% và bảo hiểm nhân thọ đạt 14 - 15%. Đây là mức tăng trưởng khá thách thức của một tập đoàn lớn.
Đã là những thương hiệu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhưng dưới áp lực cạnh tranh và các thách thức trong quá trình hội nhập, các khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thời gian qua…, thứ hạng của các doanh nghiệp dẫn đầu này không ít lần bị lung lay đe dọa.
Thực tế, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ với sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp bảo hiểm mới, các doanh nghiệp bảo hiểm chuyên ngành đang là mối đe dọa trực tiếp đến doanh thu cũng như thị phần của những “cánh chim” đầu đàn.
Đến cuối năm 2013, số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 29 doanh nghiệp , bảo hiểm nhân thọ là 16 doanh nghiệp, môi giới bảo hiểm là 13 doanh nghiệp, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Dù sở hữu lực lượng lao động với những cán bộ bảo hiểm lành nghề nhất thị trường, nhưng bộ máy cồng kềnh, chưa thực sự năng động lại là những thách thức trong quá trình cạnh tranh của những doanh nghiệp này. Trong khi đó, việc liên tục phải chia sẻ thị trường với những doannh nghiệp bảo hiểm mới khiến doanh thu nhiều nghiệp vụ bảo hiểm quan trọng như hàng không, hàng hải, dầu khí, cơ giới… của những doanh nghiệp này giảm sút.
Tuy nhiên, doanh số hay thị phần chỉ là những mục tiêu trung gian. Thách thức lớn hơn, quan trọng hơn được các doanh nghiệp bảo hiểm đầu đàn xác định chính là sự đảm bảo về uy tín, chất lượng dịch vụ và tình cảm của khách hàng đối với tên tuổi thương hịêu của doanh nghiệp và cả trọng trách tăng thêm giá trị gia tăng cho các cổ đông.