Tập đoàn TH phủ nhận ép giá mía nông dân tại Nghệ An

Mới đây, một số trang mạng xã hội đã “tố” Nhà máy Đường Nghệ An (thuộc Tập đoàn TH) vi phạm hợp đồng nghiêm trọng, ép giá mía nông dân, yêu cầu nông dân trả số tiền đã vay của nhà máy. Tập đoàn TH phủ nhận hoàn toàn thông tin này.

Người nông dân đang có thêm mùa mía đắng khi giá mía, giá đường liên tục giảm Người nông dân đang có thêm mùa mía đắng khi giá mía, giá đường liên tục giảm

Giá mua mía tương đương các nhà máy đường khác

Trao đổi với Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, đại diện Tập đoàn TH cho biết, Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) – nguyên là Công ty Mía đường Taste & Lyle, được Tập đoàn TH mua lại – bắt đầu vụ ép vào ngày 25/11/2014.

Theo bảng thông báo về giá mía niên vụ 2014/2015 mà Công ty thông báo tới các chủ hợp đồng trồng mía, giá mía cơ bản tại nhà máy là 863.760 đồng/tấn mía 10 chữ đường (10 CCS). Bên cạnh đó, NASU hỗ trợ thêm 20.000 đồng đối với mỗi tấn mía được thu hoạch và vận chuyển về nhà máy trong tuần đầu tiên của vụ ép.

Theo Tập đoàn TH, giá mía trên là tương đương với giá mía của Nhà máy Đường Sông Con (Nghệ An). Cụ thể, công ty này mua mía với giá bình quân đưa về nhà máy là 878.000 đồng/tấn, hỗ trợ 10.000 đồng/tấn cho lượng mía đưa về nhà máy từ đầu vụ ép đến 5/12. Tuy nhiên, giá mía mà NASU mua vào thấp hơn giá mía của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (900.000 đồng/tấn).

Giải thích thêm về giá mía, phía TH cho rằng, trong quá trình thực hiện việc mua mía, các nhà máy khác có thể có nhiều cách khác nhau để giảm giá mía thực trả cho nông dân như: Tăng tỷ lệ trừ % tạp chất lên 5%, thậm chí 7%; đánh giá giảm chất lượng độ đường CCS thực tế của nông dân hoặc phân loại chất lượng mía thấp để giảm giá. Trong khi đó, tại NASU, tỷ lệ trừ tạp chất cao nhất là 3%.

Về thông tin NASU đòi tiền nông dân, đại diện TH cũng khẳng định, thời gian qua, NASU đã có chính sách cho vay và hỗ trợ nông dân, ví dụ cho vay tiền làm đất, hỗ trợ chuyển đổi từ ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng mía, cho vay tiền mua giống và hỗ trợ giá giống, giá vận tải, cho vay tiền mua máy phun thuốc bảo vệ thực vật và máy cày nhỏ…. Những chi phí này hiện chưa được tính trong giá mía và NASU cũng không có chuyện công ty đòi người dân trả lại các khoản tiền hỗ trợ.

Lẽ ra giá mía chỉ 720.000 đồng/tấn

Theo thông báo của nhà máy đường NASU, giá mía mà Công ty thu mua giảm trung bình 20.000 đồng/tấn tại ruộng so với năm ngoái (giảm 2,5%). TH cho rằng, nguyên nhân là giá đường giảm trong khi cước phí vận tải từ ruộng về nhà máy tăng 10%, do  tải trọng trung bình của mỗi xe về nhà máy giảm thấp hơn trước (chính quyền kiểm soát xe quá khổ, quá tải).

Giá đường trung bình của vụ ép 2013/2014 là 13.100 đồng/kg, trong khi giá đường của niên vụ ép 2014/2015 chỉ còn 11.800 - 12.200 đồng/kg. Dự báo, giá đường niên vụ này sẽ giảm 8,4% so với đường vụ ép 2013/2014.

“Hiện tại, giá đường đã xuống tới 12.000 đồng/kg, dự đoán khi các nhà máy đồng loạt đi vào sản xuất thì giá đường sẽ tiếp tục giảm, có khả năng xuống tới 11.000 - 11.500 đồng/kg”, đại diện TH nhận định.

Với dự báo giá đường như trên, TH cho rằng, giá mía chỉ trong khoảng 720.000 tấn mía 10CCS, bởi giá mía chiếm tới 60% giá đường (theo Bộ NN&PTNT). Chính vì vậy, TH cho rằng, việc NASU đưa ra mức giá mua mía của niên vụ 2014/2015 ở mức hơn 863.000 đồng/tấn là đã trên tinh thần chia sẻ khó khăn với nông dân.

Thời gian gần đây, đường lậu ồ ạt tràn vào nước ta khiến các nhà máy đường trong nước lao đao. Do tồn kho lớn, nhiều nhà máy đường đồng loạt hạ giá mua. Tại Hậu giang, giá mía 10 chữ đường mua tại xí nghiệp đường Vị Thanh khoảng 855 đồng/kg, song thương lái mua tại ruộng chỉ khoảng 700 – 750 đồng/kg. Với mức lãi này, nông dân cùng lắm chỉ hòa vốn. Thậm chí, tại nhiều nơi, mía trổ cờ trắng đồng nhưng không có người mua, khiến người dân phải đốt bỏ cả ruộng mía.

Giá đường giảm cũng khiến sự căng thẳng giữa nông dân với doanh nghiệp tăng lên.

Theo đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường hiện nay thấp chủ yếu do đường nhập lậu.  Trong các năm gần đây, có tới 80 - 90% đường được bán ở các chợ đường lớn ở TP.HCM như quận 5, quận 6… đều là đường lậu Thái Lan, chỉ 10% là đường trong nước sản xuất.

Theo ước tính của Tổ chức đường Thế giới, lượng đường buôn lậu vào Việt Nam, khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm, bằng 1/3 sản lượng trong nước, chưa kể lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hàng năm.

Thùy Liên
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục