Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, tín dụng năm nay vẫn tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng ngân hàng sẽ tập trung nhiều hơn cho việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực tế, việc mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn khá lớn. Chẳng hạn, CTCP Sữa TH (TH TrueMilk) đã đầu tư công nghệ nuôi bò sữa và chế biến sạch quy mô lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Do đó, việc đầu tư công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp được xem là tiềm năng để các ngân hàng khai thác và tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, tín dụng năm nay cũng sẽ hướng vào các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp.
Theo Thống đốc, tín dụng ngân hàng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân tăng trưởng nhanh, trong vòng 5 năm qua tăng gấp 2 lần, chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế. Điều đó cũng tương xứng với tỷ lệ đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP của cả nước. Vì thế, chủ trương của ngành ngân hàng trong năm nay là tiếp tục đẩy mạnh tín dụng ở lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, tín dụng nông nghiệp, nông thôn trong năm nay trên địa bàn TP. HCM sẽ tập trung vào nông nghiệp áp dụng công nghệ cao và chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tính cạnh tranh của sản phẩm.
“Dự kiến, dư nợ tín dụng của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn trong năm nay sẽ tăng 70 - 85% so với năm ngoái, tức vốn cho nông nghiệp, nông thôn đạt 35.000 - 37.000 tỷ đồng, so với mức 20.000 tỷ đồng năm 2013”, ông Minh nói.
Lãi suất cho vay đối với tín dụng nông nghiệp hiện nay không quá 9%/năm và người đứng đầu ngành ngân hàng khuyến khích các ngân hàng giảm thêm trong thời gian tới, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về 7 - 8%/năm, lãi suất trung và dài hạn 8 - 9%/năm.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank chia sẻ, mặc dù là một ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, nhưng chiến lược của NamA Bank trong năm nay, ngoài việc tập trung đẩy mạnh cho vay sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, sẽ đẩy mạnh vốn hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển tín dụng nông nghiệp sẽ đem lại sự bền vững trong cho vay.
Theo lãnh đạo NHNN, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua tăng nhanh, nhưng hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn, như nguồn vốn cho vay hạn chế; khả năng huy động vốn trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn còn thấp; nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn về nguồn vốn để xử lý rủi ro, hỗ trợ khách hàng; tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại và xác nhận giấy tờ vay vốn ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thẩm định, quyết định cho vay vốn, tới việc sản xuất - kinh doanh mang tính thời vụ ở địa bàn nông thôn.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp trong năm nay, ngành ngân hàng dự kiến sẽ đẩy mạnh cho vay và đạt mức tăng trưởng ít nhất cũng như năm vừa qua (khoảng 22%) là điều không khó. Mặc dù vậy, để phát triển được tín dụng nông nghiệp trong thời kỳ này, cần phải mở rộng đối tượng, chẳng hạn cho vay đầu tư máy móc trong sản xuất nông nghiệp.