Tạo sức ép cho kinh tế thị trường phát triển

(ĐTCK) Bên cạnh việc thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, để tạo động lực mới cho nền kinh tế, một yêu cầu đặt ra là phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thoát khỏi tình trạng ì ạch như hiện nay. Đầu tư Chứng khoán chia sẻ bài viết của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Tạo sức ép cho kinh tế thị trường phát triển

Quá trình hình thành “đầu máy” doanh nghiệp nhà nước

Trước năm 1994, khu vực doanh nghiệp nhà nước được tổ chức theo mô hình tổng công ty, liên hiệp xí nghiệp, gồm nhiều đơn vị thành viên cùng ngành, lĩnh vực; thực hiện hạch toán, tập trung toàn tổng công ty, liên hiêp xí nghiệp.

Tuy nhiên, từ sau Quyết định 91/1994/QÐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, các tổng công ty được tổ chức lại (gọi là tổng công ty 91) với hơn 7 đơn vị thành viên, vốn pháp định trên 1.000 tỷ đồng, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành chính. Các tổng công ty được tổ chức lại theo Quyết định 90/1994/QÐ-TTg có trên 5 đơn vị thành viên, vốn pháp định trên 500 tỷ đồng.

Ðặc điểm chung của các tổng công ty này là các đơn vị thành viên không có tư cách pháp nhân đầy đủ (mặc dù Luật Doanh nghiệp nhà nước 1995) quy định là có quyền và nghĩa vụ của pháp nhân kinh tế. Quan hệ giữa tổng công ty và đơn vị thành viên là quan hệ hành chính cấp trên - cấp dưới, không phải quan hệ đầu tư vốn; thiếu quan hệ gắn bó dựa trên lợi ích kinh tế.

Trong giai đoạn 2001 - 2003, Chính phủ thí điểm chuyển một số tổng công ty 90 và 91 sang mô hình công ty mẹ - con; năm 2003, Luật Doanh nghiệp nhà nước chính thức quy định về tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con (trong đó công ty mẹ là công ty nhà nước 100% vốn, công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên do công ty mẹ giữ trên 50% vốn điều lệ).

 Ảnh minh họa: Shutterstock

Ðến năm 2003 - 2010, các tổng công ty 90, 91 dần chuyển sang tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con; thêm các loại hình tổng công ty có công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (đa sở hữu). Lần này, chúng ta chuyển từ quan hệ quản lý hành chính thành quan hệ đầu tư vốn với mục tiêu tạo gắn bó trên cơ sở lợi ích kinh tế và pháp luật; công ty mẹ và các đơn vị thành viên (công ty con) có quyền, trách nhiệm của một pháp nhân độc lập trong quan hệ với bên thứ ba.

Từ quan niệm doanh nghiệp nhà nước phải giữ vị trí chủ đạo thì việc thành lập các tổng công ty 90, 91 là theo mệnh lệnh hành chính, nghĩa là doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng một bộ thì gộp lại thành tổng công ty. Qua 10 năm thì thấy các công ty không hiệu quả, không lớn lên được nên giai đoạn 2001 - 2003 Nhà nước thí điểm chuyển một số tổng công ty 91 thành tập đoàn.

Từ đó đến năm 2007, Chính phủ đã thí điểm thành lập 7 tập đoàn kinh tế. Sau đó, có xu hướng nhiều tổng công ty 91 muốn nâng thành tập đoàn. Nhưng 2007 - 2008 là thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nên một số tập đoàn đã thất bại và việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước đã phải xem xét lại. Sau đó, dù là tập đoàn hay tổng công ty thì đều theo mô hình công ty mẹ và con.

Nếu như mô hình tổng công ty 91 và 90 được thành lập bằng quyết định hành chính, công ty con là chi nhánh, không có tư cách pháp nhân đầy đủ và mối liên hệ là cấp trên, cấp dưới như là một cơ cấu hành chính, thì theo mô hình tổ chức công ty mẹ - con, công ty mẹ như nhà đầu tư và đầu tư vốn thành lập các công ty con bên dưới. Mối quan hệ ở đây là sở hữu, nghĩa là chuyển từ mối quan hệ hành chính sang mối quan hệ sở hữu. Cách thức này phù hợp với hoạt động kinh tế thị trường, nghĩa là chia sẻ rủi ro. Một tập đoàn lớn có hàng trăm, hàng chục công ty con, nếu 1 công ty con nào đó phá sản thì chỉ bị mất tài sản ở công ty con đó, chứ không ảnh hưởng tới tập đoàn.

 TS. Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Tập đoàn rất lớn, hoạt động đa ngành nên rất khó kiểm soát. Do đó, phải thành lập các công ty con hoạt động tự chủ, hoàn toàn độc lập và công ty mẹ chỉ kiểm soát vào những mục tiêu gì mà công ty mẹ cần kiểm soát, chủ sở hữu cần nắm giữ và chỉ giám sát vào những chỉ tiêu ấy.

Cho đến nay, các tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam vẫn nắm giữ vị trí quan trọng trong tất cả các ngành của nền kinh tế. Cụ thể, khoảng 70 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nhà nước, đóng góp 27 - 28% GDP, 24% tổng cân đối thu ngân sách. Các tập đoàn này giữ nhiều nguồn lực quan trọng như 79% ngành khai khoáng, 91% ngành điện, 80% thông tin truyền thông; 57% tài chính ngân hàng bảo hiểm.

Ba tập đoàn EVN, PVN, Viettel cùng nhau tạo ra 50% doanh thu; 51% lợi nhuận và 52% nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước 

Cơ chế nào để tránh tụt hậu?

Nhìn lại thất bại của nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thời gian qua, có thể rút ra kinh nghiệm là việc thành lập tập đoàn, tổng công ty vẫn theo mệnh lệnh hành chính, gộp nhỏ thành to. Cách làm này không hiệu quả bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy các tập đoàn lớn lên là lớn từng bước, từ từ, để doanh nghiệp cạnh tranh. Doanh nghiệp lớn lên thì đương nhiên họ sẽ cần công ty con theo nhu cầu, như thế sẽ thành công hơn là ép buộc.

Bài học thứ 2 là các tập đoàn, tổng công ty ở vị trí quá lớn lại không có cạnh tranh, mà trong kinh tế thị trường thì cạnh tranh là động lực để phát triển, không cạnh tranh sẽ thất bại. Chẳng nói đâu xa, trong ngành viễn thông, khi có nhiều đơn vị cùng cạnh tranh cung cấp dịch vụ như VNPT và Vietel, Mobifone, Vietnam Mobile…, kết quả là doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực này hoạt động tốt hẳn lên, dịch vụ tốt lên, giá cả tốt hơn.

 Ảnh: Dũng Minh

Giải pháp để thúc đẩy cạnh tranh là buộc doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài để cạnh tranh với những đối thủ của họ trên thị trường quốc tế. Nếu họ hoạt động được, xuất khẩu được sản phẩm sang EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… chứng tỏ họ thành công. Ðây là dấu hiệu của thành công, có năng lực cạnh tranh.

Trung Quốc đã ép các tập đoàn nước này làm như như vậy, nhưng ở Việt Nam, điều này lại chưa làm được. Và khi không làm được, đã có sự thất bại như từng xảy ra tại các tập đoàn Vinashin, Vinalines (Vinashin nợ phải trả trên 86.000 tỷ đồng, các dự án đắp chiếu, thất thoát, thua lỗ…).

Hiện Ðảng và Chính phủ có rất nhiều cải cách đang thực hiện và hướng tới. Nổi bật là áp đặt cơ chế thị trường, trước hết là vấn đề quản trị; áp dụng công cụ quản trị và giám sát tập đoàn kinh tế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nhất là các công cụ quản lý dựa trên công nghệ điển hình của 4.0; thiết lập và vận hành hệ thống theo dõi, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế Việt Nam đối với toàn bộ nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Cũng có những ý kiến cho rằng, cần định vị lại vai trò, sứ mệnh, tập trung vào nhiệm vụ hiệu quả kinh tế, áp dụng cơ chế ràng buộc ngân sách cứng, thiết lập kỷ luật tài chính đối với tập đoàn kinh tế. Ðặc biệt là đẩy mạnh, tái cơ cấu toàn diện, đa dạng hóa sở hữu tập đoàn kinh tế nhà nước; chuyên nghiệp hóa cán bộ quản lý (bao gồm cả bộ máy cơ quan chủ sở hữu và cán bộ điều hành tập đoàn).

Trong giai đoạn mới của nền kinh tế, phải nhận thức rõ ràng rằng, cần thận trọng với việc đưa các tập đoàn kinh tế nhà nước trở thành công cụ dẫn dắt, chi phối điều tiết nền kinh tế. Ðầu tư của Nhà nước là cần thiết, nhưng đầu tư lớn, dồn nguồn lực vào một số ít tập đoàn kinh tế có thể rủi ro. Ðó có thể là hậu quả nghiêm trọng khi không thành công, hoặc thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Hiệu ứng “too big to fail” (quá lớn để thất bại) và đặc biệt là tạo sức ỳ khi dễ dàng tiếp cận nguồn lực tài chính và lợi thế chính sách sẽ kéo lùi sự phá triển của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục