Để doanh nghiệp nhà nước thực sự là những “quả đấm thép”

(ĐTCK) Đổi mới quản trị và hoạt động thực sự tuân theo kinh tế thị trường, kết hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái cơ cấu là những giải pháp được các chuyên gia đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới. 
Để doanh nghiệp nhà nước thực sự là những “quả đấm thép”

Công lớn, tội cũng nhiều

Đánh giá về tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017, nhìn chung kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của khối DNNN có cải thiện so với năm 2016.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của 526 DNNN đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016; vốn chủ sở hữu đạt gần 1,327 triệu tỷ đồng, tăng 4%; tổng doanh thu tăng 8%. Với kết quả này, phần lớn các DNNN đều đạt mục tiêu tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, có nguồn lực để tái đầu tư mở rộng sản xuất của chính doanh nghiệp và đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. 

Ghi nhận kết quả tích cực này, song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, bất cập còn tồn tại, đó là đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, nợ xấu, thua lỗ, thất thoát còn lớn, tính công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát có nhiều vấn đề...

Thậm chí theo người đứng đầu Chính phủ, vẫn còn tình trạng tập đoàn, tổng công ty trong nhiều năm liền không có nguồn lực để đầu tư, khởi công dự án mới, thể hiện tình hình kinh doanh bết bát, kém hiệu quả. 

Những hạn chế, yếu kém trên vừa do vướng mắc cơ chế chính sách, vừa do buông lỏng quản lý nhà nước trong thời gian dài, đặc biệt là lỗi chủ quan của cán bộ, tổ chức liên quan, dẫn đến tiêu cực, thất thoát vốn của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, bán vốn nhà nước...

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, việc chấp hành chủ trương đổi mới, tái cơ cấu của Chính phủ trong một bộ phận lãnh đạo bộ, ngành chủ quản, doanh nghiệp còn chưa nghiêm túc, tình trạng trì trệ vẫn tồn tại và kéo dài dai dẳng, trở thành yếu tố kìm hãm tiến độ đổi mới, tái cơ cấu, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNNN, làm giảm vai trò của khu vực kinh tế DNNN.    

“Cần xem xét, đánh giá vì sao có tình trạng này, xác định rõ nguyên nhân do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện, vai trò chủ sở hữu, vai trò cán bộ lãnh đạo thế nào để có những giải pháp thực sự hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém này trong thời gian tới”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng, điều cần tập trung đầu tiên là vấn đề tư tưởng, nhận thức chấp hành chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước, đồng thời tăng cường đổi mới công tác quản trị, coi đây là cốt lõi để nâng cao hiệu quả DNNN thời gian tới.

Đối với việc xử lý các dự án đầu tư của những doanh nghiệp thua lỗ, mất vốn, Phó thủ tướng cho rằng, cần tìm giải pháp tháo gỡ 2 vấn đề chính, đó là vướng mắc trong các hợp đồng EPC có yếu tố nước ngoài và các pháp lý liên quan.  

Vai trò của DNNN là không thể thay thế

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với tiềm năng và vai trò rất lớn hiện nay cũng như trong giai đoạn phát triển tới, DNNN đã, đang và sẽ là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế, đặc biệt khi giá trị tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu nhà nước, cũng như chất lượng lao động, nhân lực quản lý và các nguồn lực quan trọng khác của DNNN vẫn rất lớn, thậm chí sẽ tiếp tục gia tăng về giá trị nếu tiến trình tái cơ cấu khu vực này đạt hiệu quả thực sự.

“Quá trình cổ phần hóa tại các DNNN những năm qua cho thấy, tài sản của các DNNN có giá trị thực tế lớn hơn rất nhiều so với trên sổ sách”, ông Cung nói và dẫn chứng, qua kết quả của các thương vụ bán cổ phần tại Sabeco, Habeco, Vinamilk, Vietnam Airlines...,

Hay số liệu thống kê của những DNNN đang niêm yết cổ phiếu trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán, tổng giá trị cổ phần nhà nước trên sổ sách đạt khoảng 205.000 tỷ đồng, nhưng giá trị thị trường (năm 2017) lên tới 797.000 tỷ đồng. TS Cung cho rằng, trong 5-10 năm tới, các DNNN không chỉ giữ vai trò nền tảng, mà còn là động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để thực sự tìm lại được vị thế cũng như phát huy được đúng vai trò là các “quả đấm thép” trong nền kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các DNNN cần thực hiện thành công mục tiêu và yêu cầu tái cơ cấu, trong đó chú trọng đẩy mạnh hướng đi mới trong triển khai tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa trong bối cảnh mới.

“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và việc chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty cũng đã hoàn thành, cách tiếp cận tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể chỉ đặt riêng lẻ cho từng doanh nghiệp, mà phải có cách tiếp cận theo nhóm ngành hoặc theo chuỗi các sản phẩm để có thể tận dụng được các thế mạnh của các tập đoàn, tổng công ty lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất và cho rằng, đây là nhiệm vụ mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải nghiên cứu, có đề xuất mang tính chiến lược để thực sự thay đổi được phương thực hoạt động và nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty lớn, cùng với đó là giải quyết dứt điểm các dự án, doanh nghiệp yếu kém, nâng cao quản trị  doanh nghiệp và cơ chế tuyển chọn người điều hành doanh nghiệp.

“Cần có cơ chế tuyển chọn và trả lương theo thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy mới đảm bảo doanh nghiệp nhà nước được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, công khai...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đi đôi với các giải pháp về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đặc biệt lưu tâm sự cần thiết hình thành nên các ngành công nghiệp có tính chất dẫn dắt, nền tảng, đột phá, có tính chủ đạo để cùng thành phần kinh tế tư nhân đóng góp cho sự phát triển của
đất nước. 

Đổi mới quản trị, tuân thủ hoạt động theo hướng thị trường

Thống nhất tư tưởng đổi mới để từ đó chủ động đổi mới bộ máy quản trị là một vấn đề đặt ra đối với hầu hết các doanh nghiệp hiện nay trong công tác tái cơ cấu. Với vai trò là doanh nghiệp chủ đạo trong ngành viễn thông, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, sau 5 năm tái cơ cấu, Tập đoàn đạt mức tăng trưởng 25%/năm.

Để có được kết quả bước đầu này, ông Hùng bật mí, trong nội bộ có nhiều ý kiến, thậm chí bản thân lãnh đạo Tập đoàn phải đích thân ký cam kết với Bộ trưởng là nếu không làm được thì Chủ tịch Tập đoàn sẽ từ chức thì Bộ mới tin tưởng.

Chính vì vậy, theo ông Hùng, rất nhiều thách thức đang đặt ra đòi hỏi bản thân lãnh đạo doanh nghiệp phải chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, từ đó khơi đậy tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản trị, từ đó tăng hiệu quả của doanh nghiệp. Để làm tốt, ông Hùng kiến nghị, cần giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp.

“Nên dùng hệ số đánh giá tín nhiệm để tăng cường năng lực phân cấp, giám sát chặt chẽ trên cơ sở phòng ngừa rủi ro, hậu kiểm, sử dụng quyền phủ quyết nếu dự án có vấn đề...”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề xuất, các bộ, ngành nhanh chóng có văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo và quyết sách của Chính phủ, không để doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh.

Theo ông Chi, các bộ, ngành, địa phương cần kiên định lập trường chính sách của Đảng, Quốc hội về cơ cấu lại DNNN, cổ phần hoá, thoái vốn, kể cả thoái vốn tại các DNNN đang thực hiện hiệu quả, để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, tạo “dư địa” phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung, cần mạnh dạn gỡ bỏ các rào cản ràng buộc để DNNN tự chủ kinh doanh, Hội đồng quản trị, tổng giám đốc tự quyết định. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần tập trung hoàn thiện các nghị định của Chính phủ liên quan tới chủ sở hữu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Hiện nay, chúng ta mới tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn vì hy vọng sau đó doanh nghiệp sẽ thay đổi quản trị và hoạt động theo cơ chế thị trường. Cần tập trung đổi mới quản trị trước, sau đó mới làm tốt được công tác cổ phần hóa, cũng như sau cổ phần hóa”, ông Cung nói.

Liên quan công tác cổ phần hóa, ông Cung cho rằng, DNNN nên tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng, cơ cấu lại danh mục đầu tư nhà nước từ kém hiệu quả sang hiệu quả và hiệu quả hơn, để một đồng Nhà nước đầu tư phải sinh lợi gấp đôi.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục