Tăng trưởng tín dụng và bài toán kiểm soát lạm phát

(ĐTCK)  Với những cơ hội tăng trưởng mới, nguồn vốn ngân hàng được dự báo chảy mạnh hơn nhưng kiểm soát lạm phát lại đòi hỏi các giải pháp cấp độ cao hơn.
Ảnh minh họa: Shutterstock

Nguồn vốn ngân hàng rộng mở

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 170.000 tỷ đồng, tương đương 11% so với cuối năm 2023. Trong đó, Agribank triển khai cho vay 100% các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới với gần 8.300 xã, dư nợ cho vay hơn 712.000 tỷ đồng với gần 2,2 triệu khách hàng; cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản có doanh số đạt 8.659 tỷ đồng, với trên 5.700 lượt khách hàng được giải ngân, dư nợ 3.190 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2024, dư nợ cho vay lúa, gạo theo Chương trình 1 triệu ha của Agribank đạt 74.332 tỷ đồng, với 70.509 khách hàng, tăng 14.257 tỷ đồng (tăng 23,7%) so với năm 2023; trong đó, dư nợ cho vay khu vực Tây Nam Bộ đạt 36.691 tỷ đồng (chiếm 49,36%), tăng 7.356 tỷ đồng (tăng 25,1%) so với năm 2023. Năm qua, Agribank đã phê duyệt hồ sơ tín dụng của 13 dự án nhà ở xã hội, trong đó đã cho vay 9 dự án và 259 khách hàng là người mua nhà, doanh số giải ngân 1.088 tỷ đồng, dư nợ cho vay 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo ông Vượng, dư nợ khách hàng được giảm lãi suất hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão Yagi của Ngân hàng vào khoảng 26.000 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ 44 tỷ đồng, với khoảng 29.000 khách hàng.

Tại TPBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Minh Phú cho biết, năm 2024, Ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 20,25%. Đặc biệt, TPBank đã giảm khoảng 1.900 tỷ đồng lãi suất cho vay cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ đồng.

Agribank và TPBank là hai ví dụ cụ thể trong ngành ngân hàng về nỗ lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Năm 2025 được dự báo tiếp tục là một năm nhiều biến động của nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước; trong đó, yếu tố tỷ giá và lãi suất có ảnh hưởng lớn tới hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, để góp phần đảm bảo tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 8% trở lên trong năm 2025, các ngân hàng đã sớm triển khai, xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Theo đó, ông Phạm Toàn Vượng cho biết, Agribank tiếp tục cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng, với mục tiêu dư nợ tăng thêm trong năm 2025 khoảng 200.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 13%. Ngoài lĩnh vực truyền thống là nông nghiệp, nông thôn, nông dân (chiếm khoảng 65% tổng dư nợ), Agribank tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm (đầu tư phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt...; các dự án năng lượng tái tạo...); các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, các chương trình tín dụng…

Còn Chủ tịch TPBank cho biết, với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000 km cao tốc trong năm nay, Ngân hàng đã tham gia nhiều dự án như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Gần đây, TPBank đã ký hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong trung tuần tháng này.

Liên quan đến nội dung các dự án hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Hồng Minh cho biết, đang có 11 dự án BOT giao thông gặp khó khăn cần xử lý; trong đó, 7 dự án đã cơ bản giải quyết dứt điểm. Để giải quyết các khó khăn này cũng như triển khai các dự án BOT mới, cần sự chung sức, đồng lòng, chia sẻ giữa các bên liên quan. Tới đây, ngành giao thông rất cần sự đồng hành của ngân hàng với tổng mức đầu tư cho 5 loại hình giao thông cần khoảng 6,27 triệu tỷ đồng từ nay tới năm 2035.

Cần sự phối hợp chính sách

Cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Nhận định được bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC đưa ra, mặc dù là thị trường chứng khoán có kết quả hoạt động tốt nhất khu vực ASEAN trong năm qua, thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa được coi là phát triển toàn diện. Trong nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nói cách khác, tín dụng ngân hàng đã tăng đáng kể so với quy mô nền kinh tế, cho thấy đây vẫn là yếu tố chính hỗ trợ xu hướng tăng trưởng cao của Việt Nam trong những năm qua.

Cũng theo bà Yun Liu, mức độ phụ thuộc nhiều vào tín dụng có thể dẫn đến những điều chỉnh về mặt kinh tế gia tăng tác động theo hướng bất lợi, chẳng hạn như khi chi phí đi vay tăng mạnh vào cuối năm 2022. Khi nền kinh tế trải qua một đợt lạm phát ngay sau đại dịch và Ngân hàng Nhà nước ứng phó bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng đã giảm mạnh khi áp lực len lỏi vào nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước, đặc biệt là ngân hàng và bất động sản…

“Lạm phát tháng 1/2025 tăng 1% so với tháng trước. Kết quả này đưa lạm phát tăng lên 3,6% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng của thị trường (HSBC dự báo lạm phát 3,0%, Bloomberg dự báo lạm phát 3,1%). Yếu tố gây tăng bất ngờ chủ yếu do giá thực phẩm tăng cao, đặc biệt là thịt lợn và chi phí y tế (tăng 9,5% so với tháng trước). Mặc dù đây chưa phải là dấu hiệu đáng lo ngại nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát”, bà Yun Liu nhấn mạnh.

Theo luật định, điều hành chính sách tiền tệ phải góp phần ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, được thể hiện thông qua chỉ tiêu về lạm phát. Theo đó, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước khi điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tăng trưởng tín dụng nói riêng. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế cũng là một chỉ tiêu để Ngân hàng Nhà nước cân nhắc khi đưa ra định hướng về tăng trưởng tín dụng từ đầu năm.

Chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì phải có sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và nhiều chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách đầu tư, chính sách thương mại. Theo đó, Chính phủ đang đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế nên mở rộng chính sách tài khóa một cách có trọng tâm, trọng điểm, bởi các chỉ số về nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nợ công… của Việt Nam đang dưới ngưỡng cho phép nên còn dư địa.

Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy thị trường vốn phát triển, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị Chính phủ tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư công, tiêu dùng); khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp mới như chip bán dẫn, AI, big data...); đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhất là cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước; xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng vốn cho các tổ chức tín dụng nhà nước nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm rủi ro, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường...

Cũng theo TS. Lực, cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả… nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.

“Phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn, trong đó chú trọng ưu tiên nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 và kiểm soát rủi ro hệ thống; có lộ trình phù hợp khi tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô”, TS. Lực nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục