Bảo hiểm nhân thọ vẫn lo chuyện đại lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải đối mặt trong thời gian này có lẽ vẫn là vấn đề tuyển dụng đại lý mới cũng như giữ chân các đại lý lâu năm.
Việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm mới ngày càng khó khăn Việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm mới ngày càng khó khăn

Lấy chứng chỉ đại lý bảo hiểm ngày càng khó

Liên quan tới việc tổ chức thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2024, cơ quan này đã phê duyệt 23.444 kỳ thi với 243.471 lượt học viên tham dự, trong đó 141.077 thí sinh đỗ, tương đương tỷ lệ đỗ chỉ đạt 58%. Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam đã mở rộng địa bàn tổ chức thi trực tuyến tập trung trên khắp cả nước với 21 tỉnh/thành phố có địa điểm thi của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia về đào tạo và tuyển dụng đại lý bảo hiểm nhìn nhận, tình hình thị trường nói chung còn có nhiều thách thức. Việc tuyển dụng ngày càng trở nên khó khăn vì nhiều lý do: Nhiều người còn kỳ thị bảo hiểm; khách hàng muốn tham gia bảo hiểm gặp khó khăn về nguồn tiền dôi dư; tỷ lệ thi trượt chứng chỉ hành nghề đại lý ở mức cao do liên tục bổ sung các câu hỏi mới và khó…

Được biết, kể từ ngày 15/1/2025, Thông tư số 85/2024/TT-BTC ngày 29/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 69/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022 quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm có hiệu lực.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 - Thông tư 85/2024 (sửa đổi Điều 3 - Thông tư 69/2022), Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam, thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - là đơn vị tổ chức thi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm và tổ chức thi, cấp, thu hồi, cấp đổi, thực hiện chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định tại thông tư này.

Tại các điểm thi tập trung do Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam triển khai, các kỳ thi đều tổ chức bằng hình thức thi máy, mỗi người một đề, khác biệt so với doanh nghiệp tự tổ chức tại địa điểm do doanh nghiệp đăng ký theo quy định trước đây.

“Không chỉ việc thi tuyển, cấp chứng chỉ cho đại lý ngày càng khó hơn, mà hiện nay, các đại lý tổ chức cũng ‘rơi rụng’ ngày một nhiều vì mức chi hoa hồng đại lý bị quản lý chặt chẽ hơn theo quy định mới. Thực tế, những đại lý này chủ yếu hoạt động theo mô hình đa cấp nên khó có thể đầu tư tốt cho hoạt động huấn luyện và động viên khi nguồn thu ngày càng eo hẹp”, vị chuyên gia trên cho hay.

Trong khi đó, nhiều công ty bảo hiểm đang đưa ra hàng loạt chương trình thi đua, hỗ trợ tài chính… nhằm nâng cao số lượng đại lý mới cũng như “kích hoạt” các đại lý đã không còn hoạt động một thời gian dài, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Trong giai đoạn này, một số công ty bảo hiểm tăng cường các hoạt động huấn luyện và động viên để nâng cao năng suất khai thác của các đại lý hiện hữu. Điều này phần nào ngăn bớt sự suy giảm doanh thu phí bảo hiểm mới.

Đối diện thách thức để nâng chất

Không chỉ việc thi tuyển, cấp chứng chỉ cho đại lý ngày càng khó hơn, mà hiện nay, các đại lý tổ chức cũng “rơi rụng” ngày một nhiều vì mức chi hoa hồng đại lý bị quản lý chặt chẽ hơn theo quy định mới.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, dù đang đối diện với nhiều thách thức, nhưng nếu vượt qua được thì chất lượng đại lý sẽ cải thiện. Bởi vì, chỉ những người có trình độ và hiểu biết nhất định thì mới có thể thi đỗ chứng chỉ hành nghề đại lý bảo hiểm, chỉ những người có quyết tâm cao và đạo đức nghề nghiệp tốt mới có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như hiện nay.

Cùng với tuyển dụng, một vấn đề nổi cộm khác và chưa có hướng giải quyết triệt để đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian qua là trục lợi bồi thường. Gần đây, trong các cuộc họp chuyên môn của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp thành viên phản ánh, ngày càng nhiều vụ việc có dấu hiệu trục lợi. Nghi ngờ trục lợi gia tăng, trong khi việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vụ việc vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thông tin, dữ liệu.

Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm đều không có dữ liệu về tình hình khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, lịch sử khám chữa bệnh của người được bảo hiểm, lịch sử sử dụng bảo hiểm y tế cũng như khám chữa bệnh dịch vụ của các cơ sở y tế trên cả nước; thiếu sự hỗ trợ bằng hành động quyết liệt của các cơ quan quản lý liên quan trong phòng chống gian lận bảo hiểm như tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm có thể tra cứu thông tin về lịch sử tham gia bảo hiểm, lịch sử khám chữa bệnh; ban hành quy trình, quy định liên quan đến khám chữa bệnh, trong đó có việc nhận dạng bệnh nhân…

Bên cạnh đó, theo quy định mới, việc phát hành các hợp đồng bảo hiểm ngày càng phải chặt chẽ hơn, bên cạnh việc bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi tư vấn bảo hiểm, phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm… Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của bên mua bảo hiểm để giúp dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước khi quyết định giao kết hợp đồng…

Ngoài ra, việc thẩm định tài chính của khách hàng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ để tránh những khiếu nại, thắc mắc là rất cần thiết, nhưng cũng không dễ thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch và giảm thiểu tranh chấp sau này. Cụ thể, việc chứng minh thu nhập giúp doanh nghiệp bảo hiểm xác định mức phí hợp lý và số tiền bảo hiểm phù hợp với khả năng tài chính của từng cá nhân. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều khó khăn do đặc thù nguồn thu nhập của một bộ phận khách hàng không dễ xác minh, chẳng hạn người nội trợ, người về hưu hoặc những người làm nghề tự do có thu nhập bấp bênh.

Thực tế này dẫn đến rủi ro khi cấp các hợp đồng bảo hiểm có mệnh giá cao cho khách hàng có thu nhập chính thức thấp hoặc không ổn định. Ví dụ, một hợp đồng giá trị lớn được ký kết với người hưu trí có thu nhập hạn chế có thể gây rủi ro. Điều này đòi hỏi các công ty bảo hiểm phải cân nhắc cơ chế đánh giá linh hoạt hơn, đồng thời nâng cao nhận thức của khách hàng về tầm quan trọng của việc kê khai thu nhập trung thực ngay từ đầu.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thị trường đang có 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 ước đạt 149.204 tỷ đồng (giảm 5% so với năm trước). Trong khi đó, với doanh số bán mới, theo số liệu ước tính của các doanh nghiệp, năm 2024, cả thị trường giảm khoảng 14%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh đại lý giảm 7%, kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) giảm 30%...

Bộ Tài chính đặt mục tiêu trong năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 239.636 tỷ đồng (tăng 0,05% so với năm 2024). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 85.938 tỷ đồng (tăng 9,77%) và lĩnh vực nhân thọ ước đạt 153.698 tỷ đồng (tăng 3%). Theo các thành viên thị trường, với khối nhân thọ, mục tiêu tăng trưởng năm nay dù chỉ ở mức thấp, nhưng vẫn là thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện tại.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục