Với kết quả 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ quay lại mục tiêu kiểm soát tỷ giá, kiềm chế lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm qua là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quay lại mục tiêu ban đầu đó là kiểm soát tỷ giá, kiềm chế lạm phát.

Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư cuối năm 2024” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam đã đưa ra bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đầy tích cực trong trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

"Chúng tôi khá bất ngờ với con số tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II/2024 tăng lên 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức nền 5,7% của với quý I, qua đó khẳng định khả năng hồi phục bền vững của nền kinh tế", ông Trung cho biết.

Mặt khác, con số tăng trưởng ấn tượng của quý II đạt được cũng một phần do nền quý II/2023 khá thấp.

Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam tại Hội thảo.

Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam tại Hội thảo.

Theo các chuyên gia của Citibank, tăng trưởng GDP của Việt Nam được đóng góp chính bởi ngành sản xuất và dịch vụ, ngoài ra do cầu nội địa và chi tiêu được cải thiện. Cùng với đó, tỷ lệ lạm phát mặc dù trong thời gian qua có tăng cao, tuy nhiên còn ít dư địa để tiếp tục tăng. Nếu như năm 2021, lạm phát tại Việt Nam tăng 1,8% và đạt khoảng 3% vào năm 2022 và 2023, thì 6 tháng đầu năm 2024 con số lạm phát là 4,03% và được các chuyên gia kinh tế tại Citibank dự đoán sẽ hạ nhiệt còn 3,4% trong năm 2024.

"Với hai chỉ số GDP và lạm phát đều tăng trong thời gian qua sẽ giúp NHNN giải tỏa rất nhiều khi bơm thêm vốn để kích thích tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm qua là điều kiện để NHNN quay lại mục tiêu ban đầu đó là kiểm soát tỷ giá, kiềm chế lạm phát", ông Trung nói.

Về tình hình tỷ giá, từ đầu năm đến nay, NHNN đã bán khoảng 6,5 tỷ USD, bán rất mạnh, trái với suy nghĩ trước đây về việc cơ quan này chỉ bán theo kỳ hạn để neo thị trường tại thời điểm đấy. Ngoài ra, thông qua các ngân hàng thương mại và các công ty vàng, NHNN đã bán ra khoảng 5 tấn vàng (có giá trị khoảng 420 triệu USD tại thời điểm) để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, làm mất đi động lực các hoạt động giao dịch trái phép. Không chỉ thế, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tìm hiểu về thị trường tiền điện tử, nơi đang thu hút số lượng tiền đáng kể đến từ các nhà đầu tư Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu, chúng ta đang thực hiện chính sách bình ổn giá trên thị trường vàng. Chính phủ đã thành công trong việc kéo giá vàng miếng từ 92 triệu về hiện tại là khoảng 80 triệu đồng/lượng ở thời điểm hiện tại. Trên thế giới, xu hướng chung của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), vẫn là thu gom vàng. Chính vì thế, cùng với nhu cầu vàng trên thế giới điều đó sẽ đẩy giá vàng lên cao và ảnh hưởng tới thị trường vàng của Việt Nam.

"Tuy nhiên, việc neo giá vàng vào giá của thị trường vàng thế giới để chênh lệch không vượt quá 3-5 triệu đồng/lượng, hoặc một tỷ lệ nào đó là điều rất rủi ro. Chúng ta nên để thị trường vàng đi theo nguyên tắc cung cầu", TS. Nguyễn Trí Hiếu phát biểu.

Về tình hình thu hút vốn FDI, chuyên gia kinh tế của Citibank nhìn nhận Việt Nam đang được hưởng lợi từ các cuộc xung đột trên thế giới như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và xung đột giữa Nga - Ukraine. Nhiều khách hàng từ Mỹ trước đây đặt hàng phụ kiện ở Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ, sau khi chiến sự Nga và Ukraine nổ ra, các hợp đồng hợp tác đã có thêm điều khoản về việc phải đặt nhà máy ở ngoài Trung Quốc và Đài Loan. Điều này đã tạo ra làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng và đầu tư rất lớn từ Đài Loan thông qua hàng loạt nhà máy chế tạo được xây dựng tại nhiều địa điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An… với giá trị lên tới hàng tỷ USD. Cùng với Hàn Quốc, Đài Loan là hai nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Rõ ràng, vị trí chiến lược của Việt Nam là ưu điểm rất lớn để thu hút dòng vốn FDI.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam điều chỉnh lên từ 6% - 6,4%, đúng với kịch bản mong muốn điều hành. Tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng giá được dự đoán sẽ đạt 3,4% trong bối cảnh NHNN vẫn kiên trì với chính sách điều hành hiện tại. Tỷ giá dự kiến từ giờ đến cuối năm sẽ quanh mức 25.300 VND/USD và đạt 26.000 VND/USD đến hết năm sau.

Thảo luận tại hội thảo, hầu hết các diễn ra đều nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024 có thể biến động trước những diễn biến của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và lộ trình điều chỉnh lãi suất tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục