
Hiệu quả kinh doanh cải thiện trong năm 2024
Năm 2024, HDBank báo lãi trước thuế 16.731 tỷ đồng, tăng trưởng 28,5% so với năm trước đó, hoàn thành 106% kế hoạch cổ đông được cổ đông thông qua. Trong đó, mảng tài chính tiêu dùng, với công ty con HD Saison (HDBank chi phối 50% vốn) đóng góp 1.200 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 83,9% so với năm 2023. Với kết quả này, HD Saison tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về lợi nhuận trong khối công ty tài chính.
Trong khi đó, FE Credit báo lãi trước thuế hơn 500 tỷ đồng trong năm qua. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro năm 2024 của FE Credit đã tăng 36,6% so với cùng kỳ, ở mức 11.925 tỷ đồng.
Các chỉ số về kinh doanh trong năm 2024 của FE Credit cũng có dấu hiệu cải thiện. Theo đó, doanh thu lãi ở mức 14.365 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ, nhưng chi phí lãi giảm mạnh hơn (28,7%), từ 4.479 tỷ xuống 3.194 tỷ đồng, giúp thu nhập lãi thuần tăng 7,6%, lên 11.171 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi cũng tăng trưởng gấp 1,61 lần so với cùng kỳ, lên 4.672 tỷ đồng trong năm 2024. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của FE Credit đạt 1.656 tỷ đồng, cao gấp gần 1,8 lần so với cùng kỳ.
VPBank cho biết, nhờ cầu tiêu dùng cải thiện dần trong năm qua và quá trình tái cấu trúc thành công, quy mô tín dụng của FE Credit tăng 10,3% và doanh số giải ngân cả năm 2024 tăng 40% so với 2023. Kết quả kinh doanh trên của FE Credit đã đóng góp tích cực cho hệ sinh thái VPBank, giúp lợi nhuận hợp nhất năm 2024 vượt 20.000 tỷ đồng, cao hơn 85% so với cùng kỳ năm trước. Với kỳ vọng sức cầu tín dụng tiêu dùng cải thiện, VPBank dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng trước thuế.
Công ty Chứng khoán Vietcap đánh giá cao tác động tích cực của FE Credit lên biên lãi thuần (NIM) và chất lượng tài sản của ngân hàng hợp nhất. Đồng thời, thu ngoài lãi của ngân hàng hợp nhất cũng hưởng lợi từ nỗ lực thu hồi của công ty tài chính. Đáng chú ý, trong quý IV/2024, FE Credit ghi nhận mức tăng trưởng dư nợ cho vay 10% so với cùng kỳ 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt gần 950 tỷ đồng, cao gấp 25 lần cùng kỳ và đột phá so với con số 150 và 270 tỷ đồng trong hai quý liền trước.
Quý IV/2024, VietCredit báo lãi sau thuế 69,6 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của VietCredit đạt 8.163 tỷ đồng, tăng vọt 81% so với mức 4.489 tỷ đồng vào cuối quý III/2024, phần lớn đến từ danh mục cho vay khách hàng. Chi phí hoạt động ở mức 115 tỷ đồng, tăng 14% so với quý liền trước nhưng lại giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước nhờ tái cơ cấu, cải tiến quy trình và thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống.
Tại thời điểm cuối năm 2024, quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của VietCredit giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng giảm 6%, cho thấy tỷ lệ nợ xấu từ các sản phẩm cũ đã được cải thiện và tỷ lệ nợ xấu từ các sản phẩm số mới duy trì ở mức thấp. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 6.300 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù lợi nhuận sau thuế năm 2024 của VietCredit giảm 55% so với năm trước đó, nhưng thực tế có sự cải thiện tích cực trong quý cuối năm (so với số lỗ 36,5 tỷ đồng trong quý III/2024).
Kỳ vọng tích cực hơn trong năm 2025
Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ với tổng dư nợ phục vụ đời sống tiêu dùng đạt 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế tính đến giữa năm 2024.
Theo ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, xu hướng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được ghi nhận ở cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Malaysia… Cùng chung xu hướng đó, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.
Giới phân tích tài chính nhận định, dư địa tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn rất lớn. Theo báo cáo của FiinGroup, tỷ lệ thâm nhập cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy tiềm năng tăng trưởng dồi dào. Cụ thể, đến cuối năm 2023, nợ vay tiêu dùng (bao gồm cho vay mua nhà để ở) tại Việt Nam chỉ chiếm 28,5% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế trong khu vực châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc đại lục và Thái Lan. Đồng thời, phần lớn tín dụng tiêu dùng vẫn đến từ các ngân hàng thương mại. Nhóm công ty tài chính mới chỉ đạt dư nợ khoảng 160.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2024. Trong đó, FE Credit đang dẫn đầu nhóm công ty tài chính lớn khi kiểm soát hơn 30% thị phần.
Trong báo cáo vừa mới đưa ra, Công ty Chứng khoán MBS dự báo, tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc vào năm 2025 do nền kinh tế phục hồi, với tăng trưởng GDP được đẩy nhanh và thu nhập hộ gia đình cải thiện. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu vay. Cụ thể, đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết. Đồng thời, MBS cho rằng, chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng được cải thiện nhờ hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi, các công ty tài chính tiêu dùng tăng cường thực hành quản lý rủi ro và áp dụng các tiêu chí cho vay chặt chẽ hơn và nhu cầu tín dụng mạnh hơn.
Đại diện VietCredit chia sẻ, trong năm qua, doanh nghiệp đã tập trung toàn lực vào chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự. Đặc biệt, dịch vụ vay tiêu dùng trực tuyến Tin Vay đã ra mắt trên nhiều nền tảng lớn, nâng cấp ứng dụng VietCredit. Trong năm 2025, công ty tài chính này sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng khách hàng cho dịch vụ Tin Vay và ra mắt Tin Vay Biz dành cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, sản phẩm thẻ tín dụng số mới tích hợp nhiều tính năng hiện đại dự kiến triển khai trong năm 2025.
Theo lãnh đạo VietCredit, những kết quả đạt được trong quý IV/2024 cho thấy, doanh nghiệp đang đi đúng hướng trong việc tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động, mở rộng tệp khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
“Việc quản lý rủi ro tài chính hiệu quả và tối ưu hóa chi phí đã góp phần cải thiện lợi nhuận, đồng thời thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong năm tới”, lãnh đạo VietCredit thông tin.
Một chuyên gia tài chính nhận định, Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số “vàng” với lực lượng lao động trẻ và tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (fintech) mang đến cơ hội cải thiện quy trình, giảm chi phí vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, dù đang trên đà hồi phục, thách thức đối với thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn không nhỏ. Những vụ việc lùm xùm trong cho vay, đòi nợ của một số công ty tài chính trước kia khiến nhiều khách hàng cảnh giác cao độ với tín dụng tiêu dùng, nhất là các công ty tài chính. Kinh tế chỉ đang trên đà hồi phục, tín dụng tăng trưởng chậm ở cả ngân hàng và công ty tài chính, việc mở rộng tín dụng tiêu dùng sang nhóm khách hàng có thu nhập thấp hoặc hồ sơ tín dụng yếu tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng khuyến cáo, tình trạng bùng nợ vẫn đang tiếp diễn, bởi một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ì việc trả nợ. Vì thế, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đòi hỏi phía công ty tài chính phải kiểm soát rủi ro.