Tăng thuế với giao dịch chứng khoán cần được nghiên cứu thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về gói chính sách tài khoá, tiền tệ.
Phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu cầu Diên Hồng. Phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu cầu Diên Hồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch chứng khoán cần nghiên cứu thận trọng.

Phục vụ phiên thảo luận trưc tuyến của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 7/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã gửi các vị đại biểu báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ về dự thảo trên.

Báo cáo này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, cơ quan có liên quan thực hiện.

Nhiều ý kiến đại biểu, trong đó có đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng, đã được Bộ trưởng hồi âm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quy định của pháp luật về thuế hiện hành đã bao quát được các giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch, nhất là giao dịch chứng khoán, bất động sản... cần phải nghiên cứu thận trọng trước khi áp dụng, để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thị trường.

Cụ thể, đối với lĩnh vực chứng khoán, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức trong nước nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 20% trên thu nhập. Đối với tổ chức nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên doanh thu bán chứng khoán. Đối với cá nhân áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá bán chứng khoán (việc áp dụng mức thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, giá bán chứng khoán không phân biệt có lãi hay không có lãi).

Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch chứng khoán cần nghiên cứu thận trọng để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới với mục tiêu tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, báo cáo nêu rõ.

Đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại các Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân: mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trên thu nhập được áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, doanh nghiệp không được bù trừ lãi từ hoạt động bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và không áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản; đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản áp dụng mức thuế suất 2% trên giá bán từng lần.

Trường hợp không xác định được giá bán hoặc giá bán ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng làm căn cứ tính thuế áp dụng theo mức giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng. Như vậy, pháp luật thuế hiện hành đã quy định không ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh, mua bán bất động sản.

Đối với lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số có hưởng lợi, theo báo cáo, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo hình thức truyền thống và hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, hoạt động thương mại điện tử. Như vậy, các chính sách thu đã bao quát các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, hoạt động thương mại điện tử.

Riêng đối với việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng, Bộ trưởng nêu, căn cứ Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc nhóm các nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu rà soát, thời hạn hoàn thành báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, hoàn thành báo cáo rà soát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó sẽ đề xuất thời điểm sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, cũng trong phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, thu ngân sách trên thị trường chứng khoán năm 2021 tăng 11.000 tỷ đồng, trên sàn thương mại điện tử thu được gần 1.400 tỷ đồng, là vấn đề mới trong điều hành ngân sách.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục