Tâm lý tích cực bao trùm, giới đầu tư tiếp tục gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục giao dịch tích cực trong phiên ngày thứ Năm (4/11), khi các nhà đầu tư tin tưởng vào quyết định chính sách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bên cạnh trợ lực từ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ.
Tâm lý tích cực bao trùm, giới đầu tư tiếp tục gom hàng

Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm báo cáo, số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tại nước này giảm 14.000 đơn, xuống còn 269.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 30/10. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020, thời điểm nền kinh tế Mỹ phải đóng cửa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19.

Các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn bao quát hơn về nền kinh tế với báo cáo việc làm tháng 10 được công bố vào thứ Sáu.

Trong khi đó, sau phiên họp định kỳ hôm thứ Tư, Fed thông báo sẽ bắt đầu giảm nhịp độ chương trình mua trái phiếu vào cuối tháng này, báo hiệu rằng nền kinh tế hiện đã có thể đối mặt với việc nới lỏng các biện pháp kích thích. Tuy nhiên, lãi suất vẫn được giữ nguyên. Động thái trên đã được dự đoán từ lâu và nhận được ủng hộ từ giới đầu tư.

Đáng chú ý trong phiên, cổ phiếu Moderna lao dốc 18% sau khi hãng giảm dự báo doanh số năm 2021 đối với vắc xin Covid-19 xuống còn 5 tỷ USD.

Cổ phiếu Qualcomm vọt 12,7% sau khi ghi nhận kết quả lợi nhuận vượt kỳ vọng, được thúc đẩy bởi doanh số bán chip điện thoại thông minh tăng 56%.

Về dữ liệu kinh tế khác, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 9 do xuất khẩu sụt giảm. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt kim ngạch thương mại nước này tăng 11,2% trong tháng 9, lên mức kỷ lục 80,9 tỷ USD. Thâm hụt thương mại đã là lực cản đối với tăng trưởng GDP của Mỹ trong 5 quý liên tiếp.

Dow Jones đóng cửa giảm nhẹ trong khi hai chỉ số chính còn lại tiếp tục lập đỉnh mới. Dow Jones giảm do cổ phiếu Goldman Sachs và JPMorgan kéo lùi. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang trong xu hướng giảm điểm.

Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Dow Jones giảm 33,55 điểm (-0,09%), xuống 36.124,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,49 điểm (+0,42%), lên 4.680,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 128,72 điểm (+0,81%), lên 15.940,31 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm, đạt mức cao kỷ lục khi các nhà đầu tư hài lòng với quyết định không vội tăng lãi suất của Fed và giữ nguyên mức lãi suất thấp từ Ngân hàng Trung ương Anh.

Kết thúc phiên 4/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 31,02 điểm (+0,43%), lên 7.279,91 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 69,67 điểm (+0,44%), lên 16.029,65 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 37,14 điểm (+0,53%), lên 6.987,79 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt quay đầu tăng trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng theo chân Phố Wall đêm trước.

Chứng khoán Trung Quốc tăng với cổ phiếu tiêu dùng và ô tô tăng vọt, một ngày sau khi chính phủ nước này khuyến cáo người dân tích trữ các mặt hàng thiết yếu.

Chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc đều tăng, được hỗ trợ bởi mức tăng trên phố Wall sau khi Fed công bố kế hoạch giảm bớt các biện pháp kích thích.

Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 273m47 điểm (+0,93%), lên 29.794,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,33 điểm (+0,81%), lên 3.526,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 200,44 điểm (+0,80%), lên 25.225,19 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 7,51 điểm (+0,25%), lên 2.983,22 điểm.

Giá vàng đêm qua giảm sâu bất chấp USD suy yếu sau khi thị trường đón nhận kết luận từ cuộc họp Fed. Với nhiều dữ liệu kinh tế tích cực, dòng tiền đổ vào thị trường tài sản rủi ro đã gây áp lực lớn lên giá vàng.

Kết thúc phiên 4/11, giá vàng giao ngay tăng 22,50 USD (+1,27%), lên 1.791,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 29,60 USD (+1,68%), lên 1.793,50 USD/ounce.

Giá dầu ghi nhận một phiên đầy biến động và đóng cửa giảm ngày thứ hai liên tiếp vào thứ Năm, sau thông tin sản lượng dầu của Ả Rập Xê-útt sẽ sớm vượt 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thông tin được Al Arabiya TV, kênh truyền thông thuộc sở hữu của chính phủ Ả Rập Xê-út, đưa ra sau khi quốc gia này cùng với các thành viên còn lại của OPEC+ nhất trí tuân theo mức tăng sản lượng dần dần đã thỏa thuận trước đó, bất chấp kêu gọi tăng sản lượng từ Mỹ.

“Các kho dự trữ dầu sẽ tăng một cách khủng khiếp vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 do tiêu thụ chậm lại”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, cho biết hôm thứ Năm.

Kết thúc phiên 4/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,05 USD (-2,5%), xuống 78,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,45 USD (-1,80%), xuống 80,54 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ