Mùa báo cáo quý III trên phố Wall tiếp tục với những con số ấn tượng. Cổ phiếu của Pfizer tăng 4,1% sau khi báo cáo ước tính doanh số bán vắc-xin Covid-19 mà hãng này phát triển cùng với đối tác BioNTech của Đức sẽ đạt 36 tỷ USD trong năm nay.
Cổ phiếu Under Armour bứt phá 16,4% sau khi nhà bán lẻ đồ thể thao nâng triển vọng thường niên, tiết lộ rằng công ty đang có tiến bộ trong việc cải thiện hình ảnh thương hiệu của mình dưới thời CEO Patrik Frisk.
Cổ phiếu của Avis Budget tăng vọt 108,3% sau khi hãng cho thuê xe hơi này báo cáo lợi nhuận vượt trội trong quý vừa qua. Cũng đạt kết quả cao hơn kỳ vọng, cổ phiếu DuPont de Nemours leo dốc 8,7% và và cổ phiếu Estee Lauder tăng 4,1%
Nhìn chung, mùa báo cáo quý 3 đã thành công ngoài mong đợi khi nền kinh tế Mỹ vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trên con đường phục hồi từ sau đại dịch. Với khoảng 320 công ty đã báo cáo cho đến nay, thu nhập của S&P 500 dự kiến sẽ tăng 40,2% trong quý III, theo Refinitiv.
Mặt khác, Fed vào thứ Tư, sau phiên họp định kỳ, dự kiến sẽ thông qua kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD được áp dụng để giúp đỡ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch. Các nhà đầu tư cũng sẽ tập trung vào các tín hiệu về việc lãi suất, bên cạnh tình trạng lạm phát gia tăng gần đây.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba cho biết, Nhà Trắng sẽ đưa ra thông báo “khá nhanh chóng” về các đề cử cho vị trí lãnh đạo của Fed trước khi nhiệm kỳ hiện tại của Chủ tịch Jerome Powell hết hạn.
Về dữ liệu kinh tế, tỷ lệ trống mặt bằng cho thuê nhà ở của Mỹ giảm thêm trong quý thứ III khi nền kinh tế tiếp tục bình thường hóa sau gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Cụ thể, Bộ Thương mại hôm thứ Ba báo cáo, tỷ lệ trống mặt bằng cho thuê đã giảm xuống mức 5,8% trong quý vừa qua, mức thấp nhất kể từ quý II/2020.
Cả 3 chỉ số đều khép phiên tại mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang có xu hướng giảm.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Dow Jones tăng 138,79 điểm (+0,39%), lên 36.052,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,98điểm (+0,37%), lên 4.630,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 53,69 điểm (+0,34%), lên 15.649,60 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng trong phiên ngày thứ Ba khi triển vọng mạnh mẽ từ nhà sản xuất thiết bị trợ thính Demant hỗ trợ nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên mức tăng bị nhóm cổ phiếu khai khoáng kìm hãm do thị trường kim loại bị xáo trộn, bên cạnh tâm lý thận trọng trước cuộc họp của Fed và Ngân hàng Trung ương Anh.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 13,81 điểm (-0,19%), xuống 7.274,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 148,16 điểm (+0,94%), lên 15.954,45 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 33,74 điểm (+0,49%), lên 6.927,03 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi các nhà đầu tư vẫn đứng ngoài chờ đợi cuộc họp quan trọng của Fed tuần này.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, bị kéo lùi bởi nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính và bất động sản. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông giảm do sức ép từ nhóm cổ phiếu công nghệ, tài chính và bất động sản.
Ngược lại, chứng khoán Hàn Quốc tăng khá mạnh khi nhóm cổ phiếu lớn nhận ảnh hưởng tích cực từ phiên đêm trước trên phố Wall.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 126,18 điểm (-0,43%), xuống 29.520,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,85 điểm (-1,10%), xuống 3.505,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 54,65 điểm (-0,22%), xuống 25.099,67 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 34,55 điểm (+1,16%), lên 3.013,49 điểm.
Giá vàng đêm qua quay đầu giảm khi thị trường thận trọng chờ đợi kết luận từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về vấn đề lạm phát và giải pháp của cơ quan này về tình trạng phục hồi nền kinh tế.
Kết thúc phiên 2/11, giá vàng giao ngay giảm 5,80 USD (-0,32%), xuống 1.787,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,40 USD (-0,36%), xuống 1.789,40 USD/ounce.
Giá dầu hạ nhiệt trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi dữ liệu mới nhất cho thấy dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, tăng và Washington đẩy thêm áp lực gia tăng nguồn cung lên OPEC.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29/10 trong khi tồn kho xăng giảm 552.000 thùng, dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 573.000 thùng, Reuters trích dẫn nguồn tin từ Viện Dầu khí Mỹ cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow hôm thứ Hai, đã đổ lỗi cho việc giá dầu và khí đốt tăng cao là do các quốc gia OPEC từ chối bơm thêm dầu vào thị trường.
Kết thúc phiên 2/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,32 USD (-1,6%), xuống 82,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,98 USD (-1,2%), xuống 83,74 USD/thùng.