Giới đầu tư gom hàng, chờ đợi tín hiệu từ Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tháng 11 thuận lợi với phiên giao dịch đầy hứng khởi hôm thứ Hai (1/11), đưa các chỉ số chính lên đỉnh mới trong bối cảnh các nhà đầu tư hướng tới cuộc họp lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần.
Giới đầu tư gom hàng, chờ đợi tín hiệu từ Fed

Thị trường chứng khoán Mỹ đang chuẩn bị cho một tuần quan trọng. Fed vào thứ Tư dự kiến ​​sẽ phê duyệt kế hoạch giảm quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD, vốn được áp dụng để giúp nền kinh tế vượt qua thời kỳ đại dịch, Ngoài ra, những bình luận của các nhà hoạt động chính sách về lãi suất và tình trạng lạm phát cũng rất được quan tâm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ đưa tháng chứng khoán Mỹ thăng hoa trong tháng 10 sẽ tiếp tục trong tuần này. Khoảng 50% số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý III và hơn 80% số này có lợi nhuận vượt kỳ vọng từ các nhà phân tích trên Phố Wall, theo Refinitiv.

Về dữ liệu kinh tế, Viện quản lý cung ứng (ISM) hôm thứ Hai cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã giảm từ 61,1 trong tháng 9 xuống 60,8 trong tháng 10, cao hơn dự báo giảm xuống mức 60,5 từ các chuyên gia kinh tế.

Bất cứ kết quả nào trên 50 đều cho thấy sự tăng trưởng. Tuy nhiên kết quả trên cũng chỉ ra tốc độ tăng trưởng chậm lại của ngành sản xuất do tình trạng tăng giá kỷ lục của nguyên liệu thô, thiếu hụt và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Bộ Thương mại hôm thứ Hai báo cáo, chi tiêu xây dựng của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,5% trong tháng 9, nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn cung và cơn bão Ida vào cuối tháng 8.

Cả 3 chỉ số đều khép phiên tại mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang có xu hướng giảm.

Kết thúc phiên 1/11, chỉ số Dow Jones tăng 94,28 điểm (+0,26%), lên 35.913,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,29 điểm (+0,18%), lên 4.613,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 98,53 điểm (+0,63%), lên 15.595,92 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên đầu tiên của tháng 11, tiếp nối đà tăng tích cực của tháng 10 nhờ mùa báo cáo mạnh mẽ và kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất vào năm tới hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Kết thúc phiên 1/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 51,05 điểm (+0,71%), lên 7.288,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 117,52 điểm (+0,75%), lên 15.802,29 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 62,95 điểm (+0,92%), lên 6.893,29 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về một chính phủ ổn định và nhiều biện pháp kích thích tài chính hơn sau khi đảng cầm quyền của Thủ tướng Fumio Kishida chiếm đa số trong cuộc bầu cử quốc hội.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm trong bối cảnh đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở nước này ảnh hưởng đến tiêu dùng và du lịch.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe kéo lùi trong lúc khuôn khổ giám sát mới nhất của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ gây nhiều lo ngại.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ dữ liệu xuất khẩu đầy lạc quan trong tháng 10 vừa qua.

Kết thúc phiên 1/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 754,39 điểm (+2,61%), lên 29.647,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,86 điểm (0,08%), xuống 3.544,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 222,92 điểm (-0,88%), xuống 25.154,32 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 8,26 điểm (+0,28%), lên 2.978,94 điểm.

Giá vàng đêm qua bất ngờ tăng, nỗ lực chạm tới mốc 1.800 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD yếu hơn. Cuộc họp của Fed sẽ là tâm điểm thị trường kim loại quý trong tuần này.

Kết thúc phiên 1/11, giá vàng giao ngay tăng 9,20 USD (+0,61%), lên 1.793,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 11,90 USD (+0,67%), lên 1.795,80 USD/ounce.

Giá dầu tăng trong phiên khởi đầu tháng mới với kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh và các nhà sản xuất chủ chốt không tăng sản lượng quá nhanh bất chấp Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng số 1 thế giới, giải phóng kho dự trữ nhiên liệu để ổn định thị trường.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần vừa qua kêu gọi các nước sản xuất năng lượng lớn của G20 tăng cường công suất sản xuất để đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn, đây được xem là một nỗ lực nhằm gây áp lực buộc OPEC+ tăng nguồn cung.

Kết thúc phiên 1/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,84 USD (+0,9%), lên 84,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,99 USD (+1,1%), lên 84,71 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục