Tại sao “kỳ lân” Grab hạ gục gã khổng lồ Uber tại Đông Nam Á?

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ trong vài năm, không chỉ lớn mạnh mà Grab đã thành công trong việc thay thế Uber cũng như một số startup tương tự của Âu - Mỹ tại thị trường Đông Nam Á.
Tại sao “kỳ lân” Grab hạ gục gã khổng lồ Uber tại Đông Nam Á?

Sự phát triển của kinh tế số toàn cầu đã kéo theo đà tăng trưởng thương mại điện tử mạnh mẽ tại Đông Nam Á, trong đó Grab là cái tên nổi bật gần đây.

Tính đến năm 2019, “kỳ lân” này (kỳ lân - Unicorn là cách gọi các startup được định giá 1 tỷ USD trở lên - NV) đã huy động được hơn 6,5 tỷ USD vốn đầu tư. Có quê hương tại Indonesia, nhưng Grab đã chọn Singapore làm trụ sở để phát triển.

Cũng như gã khổng lồ Uber, “kỳ lân” Grab đang tiếp tục mở rộng dấu chân kinh doanh của mình sang dịch vụ giao hàng, ăn uống, thanh toán kỹ thuật số và thậm chí cả dịch vụ mua hàng cá nhân, phạm vi hoạt động cũng mở rộng sang Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Chỉ trong vài năm, không chỉ lớn mạnh mà “kỳ lân” này đã thành công trong việc thay thế Uber cũng như một số startup tương tự của Âu - Mỹ tại thị trường Đông Nam Á.

Vậy vì sao mà một công ty nhỏ vốn ban đầu chưa đến 3 tỷ USD có thể thách thức một kỳ lân phương Tây khác trị giá 60 tỷ USD được trang bị sức mạnh sáng tạo của thung lũng Silicon là Uber tại thị trường được coi là tiềm năng nhất châu Á này?

Khác biệt về quan điểm hợp tác

Nhiều phân tích chỉ ra Uber áp dụng triệt để tư duy, quan điểm của ngành dịch vụ phương Tây là “phục tùng” của cấp phục vụ và tối đa hóa lợi ích.

Mặc dù các nền tảng kinh tế chia sẻ thường vận hành bởi nền kinh tế số, nhưng Uber thường không quan tâm đến quan điểm quản lý của chính quyền địa phương cũng như động thái san sẻ lợi ích như một thói quen của bất kỳ doanh nghiệp nào tại châu Á.

Thay vì hợp tác với các bên để tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh (chính quyền, người sử dụng, tài xế, đại lý ô tô...) nhằm giảm thiểu cạnh tranh, gia tăng các giá trị mới thì dường như chính sách của Uber lại đi ngược lại, để rồi thất bại trong một thời gian ngắn.

Chính Uber sau này cũng thừa nhận việc cạnh tranh với các đối thủ tại địa phương là rất khó khăn.

Trong khi đó, “kỳ lân” Grab lại có quan điểm và chính sách quản lý mềm mỏng, đặc biệt là phương thức hợp tác từng bước, đưa đối tượng tạo ra lợi nhuận chính (tài xế) có “quyền” lựa chọn hợp tác với các công ty taxi sử dụng dịch vụ hỗ trợ đặt xe trực tuyến rồi sau đó bổ sung thêm chức năng chia sẻ xe riêng (xe cá nhân rảnh rỗi).

Ngoài ra, Grab cũng rất tích cực đẩy mạnh việc hợp thức hóa việc hoạt động kinh doanh, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đóng thuế và có pháp nhân đầy đủ.

Trong bối cảnh này, sự thấu hiểu văn hóa phương Đông là lợi thế không nhỏ đã góp nên thành công của Grab.

Hoặc từ một góc nhìn khác, mô hình thâm nhập thị trường của Grab là ưu tiên lựa chọn hợp tác với các hãng taxi địa phương, kết hợp tài xế hiện tại vào hệ thống nền tảng đặt xe taxi và cùng tồn tại cùng có lợi.

Ngược lại, khi vào mọi quốc gia, Uber đã tự thành lập một hệ thống độc lập để thay thế các hãng taxi truyền thống bằng các tài xế ô tô tư nhân. Việc này đã gây nên các làn sóng phản đối Uber tại nhiều quốc gia.

Nhập gia tùy tục

Grab tôn trọng phong tục và tập quán địa phương ở tất cả các quốc gia, nhấn mạnh việc nội địa hóa và thiết kế cơ chế thanh toán phù hợp với phương thức người dùng địa phương đã quen thuộc.

Không giống như vậy, Uber dùng một ứng dụng cho tất cả các quốc gia triển khai, do đó đã có những khác biệt từ văn hóa sử dụng lẫn thanh toán cho hình thức sử dụng xe mới mẻ này.

Sự điển hình của sự linh hoạt trong chính sách của Grab là khi bước ra khỏi Singapore để tiến đến các thị trường mới như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia...

Grab đã cung cấp dịch vụ cho cả xe máy, xe tuk-tuk thậm chí cả xe đạp để phù hợp với bối cảnh và văn hóa sở tại.

Đội ngũ nghiên cứu của Grab cũng đã tính toán rất kỹ khi cho phép người sử dụng được thanh toán trực tiếp tiền mặt bởi 70% người dân tại các quốc gia đang phát triển này không sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán hàng ngày.

Chỉ riêng việc áp dụng phương thức thanh toán này đã giúp cho số lượng tài xế và khách hàng của Grab tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn.

Giai đoạn sau Uber cũng có thay đổi, đưa vào triển khai Uber X, U-bike (phục vụ tầng lớp khách hàng bình dân) cũng như cho phép thanh toán tiền mặt, tuy nhiên cũng không giúp ích nhiều bởi phần lớn thị phần lúc này đã nằm trong tay “kỳ lân” Grab.

Trong bối cảnh nền kinh tế số toàn cầu phát triển nhanh chóng, mục đích của nền kinh tế chia sẻ là tận dụng tốt công nghệ thông tin để khắc phục tình trạng mất cân đối nhu cầu, điểu chỉnh công suất dư thừa của các phương tiện vận tải.

Bất kỳ doanh nghiệp nào tôn chỉ mục đích và vận dụng tốt, biến “kinh tế chia sẻ” thành “kinh tế chung” đều có nhiều cơ hội để thành công.

Sự thất bại tại thị trường Đông Nam Á để lại bài học cho những bước đi tương lai của Uber và cũng là tấm gương lớn đối với các ông lớn khác đang chuẩn bị thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng nhưng cũng không ít mạo hiểm.

Lê Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục