Tái khởi động thị trường bảo hiểm tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với quyết tâm khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh hậu dịch bệnh, việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, thị trường bảo hiểm tài sản được kỳ vọng sẽ nhanh chóng lấy lại sự sôi động.
Tái khởi động thị trường bảo hiểm tài sản

Cùng với bảo hiểm cơ giới, bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản là những nghiệp vụ có đóng góp doanh thu lớn và quan trọng cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, 3 tháng đầu năm 2020, xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (4.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,12%), tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới (4.153 tỷ  đồng, chiếm tỷ trọng 29,47%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (2.101 tỷ  đồng, chiếm tỷ trọng 14,91%)…

Sự phục hồi doanh thu của nhóm nghiệp vụ chủ chốt này sẽ góp phần tạo đà tăng trưởng cho thị trường.

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, quý I/2020, nhóm bảo hiểm tài sản vẫn tăng trưởng khoảng 10%.

Khởi động lại dòng chảy sôi động của nghiệp vụ này sau thời gian giãn cách vì dịch bệnh, trung tuần tháng 7/2020, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Bến Tre (BTRE) đã chính thức  ký kết hợp đồng bảo hiểm cho Dự án Nhà máy Điện gió Bến Tre V1-3.

Theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên, BIC sẽ bảo hiểm cho quá trình lắp đặt Nhà máy Điện gió V1-3 Bến Tre của BTRE. Đây là dự án nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, tổng công suất lên tới 110 MV, được đặt tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Dự án có công suất giai đoạn 1 dự kiến 30 MV. Giai đoạn 2 - 80 MW sẽ triển khai sau khi hoàn thành giai đoạn 1.

Nhà máy Điện gió V1-3 Bến Tre là 1 trong các dự án trong kế hoạch góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đạt được công suất điện gió ở mức 2.000 MW vào năm 2025 và nằm trong chiến dịch chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng phát thải thấp tại Việt Nam.

Trong khi đó, bắt đầu từ quý II/2020, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đang rốt ráo tái ký cũng như đàm phán ký mới các đơn bảo hiểm tài sản.

Cụ thể, tại PTI, doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật tính đến hết tháng 6/2020 đạt 460 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2019.

Nguyên nhân của đà tăng trưởng ấn tượng này do PTI đã tái tục được một số đơn bảo hiểm lớn như bảo hiểm cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, dự án Đường vành đai phía Tây 2, Công ty Cấp nước Sài Gòn Sawaco…

Dự kiến đến cuối năm, PTI sẽ đạt khoảng gần 1.000 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 23%.

Được biết, hồi đầu năm 2019, khi công bố kế hoạch tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam thông qua một liên doanh kỹ thuật số (JV) được thành lập với sự hợp tác của Tập đoàn FPT, Tập đoàn bảo hiểm Ðức Allianz đã xác định, ngoài việc tập trung phân phối qua các kênh trực tuyến, để mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng, đặc biệt sẽ tập trung vào sản phẩm bảo vệ sức khỏe để giải quyết nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đang tăng cao của người Việt, xây dựng hệ sinh thái bảo vệ sức khỏe thì thị trường tài sản cũng là mục tiêu quan trọng.

Hãng bảo hiểm này sẽ theo đuổi chiến lược mở rộng để tiến vào thị trường P&C (tài sản và thiệt hại) với những mục tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021…

Theo nhận định của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 6 tháng cuối năm 2020, thị trường sẽ lấy lại được đà tăng trưởng và về đích với tốc độ tăng trưởng khoảng 10 - 15%.

Sự phục hồi của những nghiệp vụ có tiềm năng tốt như bảo hiểm cơ giới, bảo hiểm con người, đặc biệt là sự gia tăng đầu tư và dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng như dòng tiền được Chính phủ bơm ra để hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ tạo cơ hội tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp và các dịch vụ công, mở ra cơ hội cho nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục