Ngành bảo hiểm nói chung quen tăng trưởng hàng năm 2 chữ số, trong đó lĩnh vực phi nhân thọ tăng thấp hơn lĩnh vực nhân thọ, nhưng với nhóm dẫn đầu thì tăng trưởng doanh thu phí trên 10% mỗi năm là điều không phải bàn cãi.
Có lẽ vì vậy, với những số liệu mới được công bố thì lĩnh vực phi nhân thọ có nhiều điều “đáng lo”.
Theo thống kê sơ bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, tốc độ tăng trưởng chung của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước khoảng 10-12% so với cùng kỳ 2019.
Các đơn vị bảo hiểm thị phần lớn có tốc độ tăng trưởng thấp, thậm chí có doanh nghiệp không tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, PVI tăng trưởng chưa đến 10%, Bảo Minh tăng trên 10%, PTI tăng khoảng 5%, BIC tăng trên 10%...
Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp có mức tăng trưởng đột biến như PJICO với mức tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm đạt gần 25%.
Cụ thể, doanh thu bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm 2020 của PJICO ước đạt 1.764 tỷ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2019 và gấp 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của thị trường, đạt 61% kế hoạch năm. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng cao nhất của PJICO trong vòng 15 năm trở lại đây.
Bảo hiểm sức khỏe của hãng bảo hiểm này tăng trưởng rất tốt trong 6 tháng qua với mức dự kiến hơn 190% là do ngay từ cuối năm 2019, PJICO đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thúc đẩy doanh thu bảo hiểm sức khỏe, trong đó có mở rộng hợp tác các sản phẩm bảo hiểm sinh mạng, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với nhiều đối tác là các tổ chức tài chính…
Quay trở lại với các nghiệp vụ bảo hiểm khác của thị trường, sự sụt giảm doanh thu đáng nói nhất 6 tháng đầu năm 2020 chính là bảo hiểm xe cơ giới do doanh số bán xe giảm đột ngột.
Những tháng đầu năm 2020, dù doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe máy của toàn thị trường tăng đột biến do tác động của đợt tổng kiểm soát giao thông đường bộ của cơ quan chức năng, nhưng vẫn không “đỡ” được sự sụt giảm doanh thu của bảo hiểm xe cơ giới.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần về bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ tăng trưởng thấp, thậm chí là âm so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp bảo hiểm hy vọng doanh thu nghiệp vụ này sẽ khởi sắc trở lại trong quý III/2020 khi lượng xe mới bán ra tăng trưởng trở lại.
Các nghiệp vụ khác như bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tàu thủy… cũng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nên dự báo chưa thể phục hồi tăng trưởng.
Tuy nhiên, có một điểm sáng trong 6 tháng đầu năm nay là doanh thu bảo hiểm sức khỏe, theo ước tính sơ bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu bảo hiểm sức khỏe toàn thị trường duy trì tốc độ tăng trưởng trên 35% so với cùng kỳ.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, không chỉ vì Covid-19 mà thực tế trong 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm bảo hiểm con người luôn tăng gấp đôi so với bảo hiểm xe cơ giới.
Với dân số 97 triệu người ở Việt Nam hiện nay, tiềm năng cho bảo hiểm con người là rất lớn. Trong tương lai, đây sẽ là địa hạt để các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung nguồn lực để đầu tư nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm mới mẻ, đáp ứng được yêu cầu của người dân.
“Với PTI, nghiệp vụ bảo hiểm con người, trong đó bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm an sinh bưu điện đang ghi nhận mức tăng trưởng khá cao. Tính riêng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe 6 tháng đầu năm 2020 tăng hơn 50%. Lý do là vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến người dân thay đổi nhận thức, tìm hiểu và tìm mua các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ sức khỏe nhiều hơn so với trước đây”, đại diện PTI cho biết.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, PTI cho hay, tổng doanh thu đã đạt 2.907 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5%. Mặc dù vẫn tăng trưởng doanh thu, tuy nhiên, PTI cũng cho biết tốc độ tăng trưởng hiện vẫn ở mức thấp hơn so năm 2019.
Kết thúc quý II/2020, các nghiệp vụ như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hải và bảo hiểm tài sản kỹ thuật của PTI tăng trưởng lần lượt là 5,5%, 9,4% và 22,5%.
“Trước đây, PTI tập trung chủ lực cho sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, chúng tôi đánh giá xu hướng của thị trường sẽ nghiêng về tập trung phát triển các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cho người dân”, đại diện PTI nhìn nhận.