Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Top đầu trả cổ tức không quá 15%

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định tạo nền tảng để các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên sàn chứng khoán chi trả cổ tức 10-15%/năm trong những năm gần đây. Năm nay, mức cổ tức này tiếp tục được duy trì, cho dù có những doanh nghiệp ghi nhận kết quả tăng trưởng vượt trội.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Top đầu trả cổ tức không quá 15%

Ổn định quanh mức 10-15%

Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên năm 2020 của Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 15%, đạt mục tiêu đề ra. Ðây là mức cổ tức khá cao của hãng bảo hiểm này trong vài năm gần đây.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2019, Bảo Minh đạt tổng doanh thu 4.593 tỷ đồng, hoàn thành 100,3% kế hoạch và tăng 7,5% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, doanh thu từ hoạt động tài chính là 217 tỷ đồng, đạt 94,5% kế hoạch và bằng 89,4% so với năm 2018.

Theo Bảo Minh, doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm chủ yếu do thị trường chứng khoán biến động khó lường, dẫn đến lợi nhuận kinh doanh cổ phiếu giảm mạnh, cho dù thu lãi cổ tức và lãi tiền gửi tăng. Còn về tổng thể, Bảo Minh đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 220,6 tỷ đồng, bằng 100,3% so với kế hoạch năm và tăng 9,9% so với thực hiện năm 2018.

Một doanh nghiệp khác cũng thuộc Top 5 thị phần lớn nhất là Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) thông báo đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh được ÐHCÐ giao năm 2019.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc (chưa tính bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/CP) đạt 3.048 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018; tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc giảm 4%; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch đề ra và tăng 12% so với năm 2018. Với kết quả này, PJICO trả cổ tức năm 2019 ở mức 13%, tăng 1% so với kế hoạch trước đó.

Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), đại diện doanh nghiệp đang có thị phần lớn thứ 3 khối phi nhân thọ này cho biết sẽ trình ÐHCÐ diễn ra vào cuối tháng 6 này thông qua mức cổ tức năm 2019 là 10%.

Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng vừa thông qua mức cổ tức 2019 là 10%, tăng 2% so với năm 2018. Ðược biết, kết thúc năm 2019, doanh thu bảo hiểm gốc của MIC đạt 2.507 tỷ đồng, tăng trưởng 30% (cao gấp 2,4 lần thị trường bảo hiểm phi nhân thọ); lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỷ đồng, tăng trưởng 30,7%, trong đó lợi nhuận từ đầu tư đạt 154,5 tỷ đồng, tăng trưởng 31%.

Kết quả kinh doanh tích cực năm 2019 giúp doanh nghiệp “mạnh tay” trả cổ tức. Tuy nhiên, dự trù sẽ gặp nhiều khó khăn, kế hoạch cổ tức năm 2020 cũng vì thế được cân nhắc kỹ.

Ðơn cử, Bảo Minh dự kiến chia cổ tức 2020 ở mức 10%, giảm đáng kể so với mức 15% của năm 2019.

Cùng với đó là kế hoạch kinh doanh thận trọng nhằm đảm bảo đối phó hiệu quả trước các tác động của dịch bệnh, củng cố và duy trì đà phát triển, tích lũy nội lực, tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Cụ thể, Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.895 tỷ đồng, bằng 85% thực hiện năm 2019; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng, bằng 85,21% so với thực hiện năm 2019.

PTI cho biết sẽ trình ÐHCÐ thông qua mức cổ tức năm 2020 bằng năm 2019 là 10%. PJICO dự kiến chi trả cổ tức 2020 là 12% dựa trên chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 3.468 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế không thấp hơn 180,8 tỷ đồng. Còn MIC phấn đấu đạt doanh thu bảo hiểm gốc năm 2020 tăng trưởng trên 15% so với năm 2019, cam kết cổ tức từ 8-10%...

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, sở dĩ mức cổ tức của ngành bảo hiểm ổn định quanh mức 10-15% mà không bứt lên, cho dù nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, bởi tỷ lệ chia cổ tức phải được cân đối trên nhiều yếu tố.

“Cố tức được chi trả sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, trích lập các quỹ và bù lỗ (nếu có), đồng thời sau chi trả phải đảm bảo khả năng thanh các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính sắp đến hạn. Mặt khác, mức 10-15% cũng phải là thấp nếu so với mặt bằng chung hiện nay”, vị đại diện doanh nghiệp trên phân tích.

Kỳ vọng vào nới room

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, trả cổ tức đều đặn hàng năm ở mức khá, song dấu ấn của cổ phiếu doanh nghiệp phi nhân thọ trên thị trường chứng khoán còn mờ nhạt, giao dịch trầm lắng.

Với triển vọng tăng trưởng được đánh giá cao, cổ phiếu ngành bảo hiểm phi nhân thọ được nhận định sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, đặc biệt khi các hoạt động nới room ngoại được thực hiện.   

Tuy nhiên, với triển vọng tăng trưởng được đánh giá cao, cổ phiếu ngành này được nhận định sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, đặc biệt khi các hoạt động nới room ngoại được thực hiện, bởi sự tham gia của các nhà bảo hiểm lớn trên thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với sự chuyên nghiệp, từ đó tạo ra những bước tăng trưởng ấn tượng mới, nhất là các doanh nghiệp có thị phần nhỏ.

Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, điểm nhấn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các cổ phiếu ngành bảo hiểm sẽ tập trung ở các sự kiện có ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh và cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp như phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn nhà nước, hay tiến hành cổ phần hóa, niêm yết…

Thông tin mới nhất PTI cho biết, tại ÐHCÐ tới đây, Ban lãnh đạo Công ty sẽ trình thông qua chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%. Theo đại diện PTI, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa là yếu tố cần thiết để tăng xếp hạng tín dụng trong tương lai, cũng như đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ.

“Trong trường hợp PTI mở rộng kinh doanh bằng hình thức tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng khả năng thành công của đề án này. Bên cạnh đó, tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu PTI trên thị trường chứng khoán cũng sẽ được cải thiện”, đại diện PTI nhấn mạnh.

Tại MIC, nhà bảo hiểm này cho biết sẽ hoàn tất kế hoạch đưa cổ phiếu MIG lên sàn HOSE trong năm nay, trên cơ sở đó lựa chọn các cổ đông chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.

Với PJICO, các cổ đông đã nhất trí thông qua tờ trình của HÐQT Công ty về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật nhằm tăng tính thanh khoản và sức hấp dẫn cho cổ phiếu PJICO (mã PGI) trên thị trường chứng khoán, bảo đảm quyền lợi cho tất cả các nhà đầu tư và các cổ đông.

Tại ÐHCÐ của Bảo Minh vừa qua, nhiều cổ đông bày tỏ sự quan tâm đến việc thoái vốn của Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ðại diện SCIC cho biết đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn tất thủ tục thoái vốn, tạo cơ sở để Bảo Minh nới room ngoại lên 100%.

Ðược biết, việc thoái vốn sẽ được thực hiện thông qua đấu giá và SCIC đã gặp gỡ nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chưa nhận được yêu cầu cụ thể. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Bảo Minh là 49% vốn điều lệ.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục