Quý I, nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng trưởng 2 con số
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt kết quả kinh doanh quý I/2020 khả quan.
Đơn cử, Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ đạt 537,7 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2019, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 502,4 tỷ đồng, tăng 13%.
Về lợi nhuận, mức lãi hợp nhất trước và sau thuế lần lượt đạt 84,4 tỷ đồng và 63 tỷ đồng, tăng tương ứng 25% và 19% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý đầu năm nay tăng trưởng cao, đạt 34%.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng cho thấy doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm và lợi nhuận sau thuế đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần quý đầu năm của PJICO đạt 669,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 42 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 7,6%.
Tại Bảo hiểm MIC, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt 498,8 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 28,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số của cùng kỳ là 29,6 tỷ đồng.
Quý II: Khó khăn lộ diện
Đạt kết quả tích cực quý đầu năm, song nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự thận trọng khi nhận định về tình hình thị trường trong quý II.
Đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, tính đến hết tháng 4/2020, PTI dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Hai nghiệp vụ tăng trưởng cao nhất là bảo hiểm tài sản kỹ thuật và bảo hiểm con người (tập trung vào dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe).
Theo đại diện PTI, trong quý II/2020, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
“Tỷ lệ bồi thường xe cơ giới dự báo sẽ tăng nhanh do nhiều chủ xe sẽ tăng nhu cầu sửa chữa xe sau thời gian dài hạn chế đi lại vì thực hiện giãn cách xã hội, trong khi doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật chưa có nhiều cơ hội tăng cao. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, mặc dù được nhìn nhận tiếp tục tăng trưởng nhưng sẽ không cao, vẫn tập trung chủ yếu tại nhóm khách hàng doanh nghiệp mua cho cán bộ, nhân viên…”, đại diện PTI phân tích.
Với Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), tuy doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt hơn 944,5 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế bắt đầu có biến động.
Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về biến động kết quả kinh doanh quý I/2020, BMI cho biết, lợi nhuận sau thuế quý đầu năm nay đạt hơn 40, 9 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2019 do thị trường chứng khoán biến động xấu, giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư của BMI giảm mạnh, dẫn đến tăng đột biến chi phí trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Đánh giá tình hình hoạt động quý II, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận: “Nhìn chung kết quả quý I chưa nói lên điều nhiều, phải đợi các con số quý II mới thấy sự thay đổi. Lý do bởi, quý đầu năm nay vẫn còn một số hợp đồng tiền gửi từ năm trước với lãi suất cao nên đóng góp tích cực vào kết quả chung, nhưng các quý sau sẽ khó khăn hơn khi không còn sự hỗ trợ này”.
Không chỉ khó khăn trong khai thác phí mới đang trực chờ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, trong quý II2020, hoạt động đầu tư được nhìn nhận bắt đầu “ngấm đòn” trước tác động của dịch bệnh.
Theo báo cáo phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), lãi suất gửi tiền tại các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm từ 0,25-0,3%/năm trong năm 2020, theo sau mức giảm 0,5%/năm lãi suất tiền gửi cho các khoản dưới 6 tháng.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới thu nhập tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi cơ cấu tiền gửi ngắn hạn (dưới 1 năm) đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản đầu tư.
Theo đó, BSC đã giảm mức đánh giá đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ từ khả quan trong năm 2019 xuống trung lập trong năm 2020 với quan điểm lãi suất tiền gửi trong xu hướng giảm sẽ làm giảm lợi nhuận tài chính.
Bên cạnh đó, tăng trưởng của mảng bảo hiểm phi nhân thọ dù vẫn ở mức cao (11-12%), song cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt hơn khiến lợi nhuận cốt lõi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, BSC cũng cho biết, triển vọng thoái vốn cùng định giá rẻ là điểm tích cực cho các doanh nghiệp phi nhân thọ trong năm nay.
Lãi suất gửi tiền tại các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm từ 0,25-0,3%/năm trong năm 2020, theo sau mức giảm 0,5%/năm lãi suất tiền gửi cho các khoản dưới 6 tháng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thu nhập tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi cơ cấu tiền gửi ngắn hạn (dưới 1 năm) đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản đầu tư.