Ngày 19/5 vừa qua, Công ty TNHH Bảo hiểm HD chính thức được thành lập và cấp phép hoạt động, trở thành công ty bảo hiểm thứ 67 trên thị trường. Không kể nhóm công ty môi giới bảo hiểm, Bảo hiểm HD là doanh nghiệp đầu tiên được thành lập kể từ sau khi có thêm Bảo hiểm OPES (một công ty liên kết của VPBank) vào năm 2018.
Theo bố cáo, vốn điều lệ của Bảo hiểm HD là 1.800 tỷ đồng - nhóm thuộc loại lớn trong ngành.
Theo giới phân tích, với nguồn vốn lớn, Bảo hiểm HD có thể nhanh chóng phát triển nhiều sản phẩm và ban đầu sẽ phục vụ nhóm khách hàng của HDBank với các sản phẩm như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm máy bay… và có thể bán qua kênh ngân hàng những sản phẩm bảo hiểm gắn với cho vay, hay sản phẩm bán lẻ khác như bảo hiểm cơ, bảo hiểm con người…
Ðể chuẩn bị kế hoạch “trình làng”, từ vài tháng trước, Bảo hiểm HD đã ráo riết tìm kiếm nhân sự cho các phòng ban.
Ðược biết, Chủ tịch Hội thành viên Công ty là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, vị trí Tổng giám đốc (CEO) được giao cho ông Phạm Khắc Dũng - đều là những gương mặt quen thuộc trong giới ngân hàng - bảo hiểm tại Việt Nam.
Trước đó, hồi đầu năm 2019, Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ của Ðức Allianz đã công bố kế hoạch tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam thông qua một liên doanh kỹ thuật số (JV) được thành lập với sự hợp tác của Tập đoàn FPT.
Với tư cách là đối tác công nghệ chiến lược, FPT sẽ hỗ trợ Allianz phát triển các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật số tiên tiến, đáp ứng các nhu cầu bảo vệ của khách hàng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, với một thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Kết hợp với sự thâm nhập cao của Internet và thiết bị di động thông minh, Việt Nam rất phù hợp để tăng khả năng tiếp cận các giải pháp bảo hiểm kỹ thuật số cho người tiêu dùng.
Ðây cũng là lý do Allianz quyết định thâm nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á.
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam có 67 doanh nghiệp và gần 60% thị phần đang nằm trong tay các doanh nghiệp thuộc Top 5 là Bảo Việt, PVI, PTI, Bảo Minh, PJICO. Thị trường luôn cạnh tranh vô cùng gay gắt, đặc biệt ở phân khúc bán lẻ với 2 sản phẩm chính là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người.
Những năm gần đây, cạnh tranh không chỉ trong nội khối Top 5 thị phần lớn nhất, mà còn diễn ra tại các doanh nghiệp nhóm dưới như MIC, VBI, ABIC, VBI, BSH, Samsung Vina, VNI, VASS… nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Với chiến lược phát triển linh hoạt, giới quan sát cho rằng, thị phần từ các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Thực tế, nhóm doanh nghiệp Top dưới đều có tham vọng thay đổi mạnh mẽ thị phần thông qua đánh chiếm các vị trí trong Top 5.
Dù đã trải qua hơn 20 năm hoạt động, nhưng đối với các tập đoàn tài chính bảo hiểm nước ngoài, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển nên tiềm năng khai thác còn rất lớn.
Vì thế, họ luôn tìm mọi cơ hội để thâm nhập thị trường, bất chấp thực tế “đất chật, người đông” và mức độ cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay.