Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh gay gắt khiến có những ý kiến quan ngại, số lượng công ty hiện tại là quá nhiều so với dung lượng của thị trường, có thể dẫn đến hệ lụy cho cơ quan quản lý, công ty bảo hiểm và khách hàng.
Chẳng hạn, cạnh tranh không lành mạnh, đại lý hoạt động thiếu kiểm soát, khách hàng không được chăm sóc chu đáo, khâu chi trả bồi thường bị lơ là, việc tuyển dụng nhân sự cấp cao, cấp quản lý đạt chuẩn gặp khó khăn...
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho rằng, cần “phanh lại” việc cấp mới giấy phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, hoặc chỉ cấp mới đối với các định chế mạnh, nhất là về nguồn lực tài chính.
“Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc lớn hơn Việt Nam cả trăm lần mà số công ty bảo hiểm lại ít hơn. Cùng là khoảng 30 công ty bảo hiểm giống như Việt Nam, nhưng Nhật Bản có tổng doanh thu hàng trăm tỷ USD, trong khi con số này tại thị trường Việt Nam chỉ khoảng 1,5 tỷ USD. Ðáng nói hơn cả, công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam đa số có vốn nhỏ, yếu kém về công nghệ...”, lãnh đạo công ty bảo hiểm trên cho biết.
Theo ông Ðỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, để duy trì được bộ máy của một đơn vị chuyên kinh doanh rủi ro trong lĩnh vực tài sản, con người như bảo hiểm phi nhân thọ thì doanh thu của doanh nghiệp phải đạt khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng.
“Với doanh thu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay thì số lượng công ty phù hợp từ 10 - 15, trong đó 3 công ty trên 5.000 tỷ đồng, 5 công ty trên 3.000 tỷ đồng, còn lại đạt trên 1.000 tỷ đồng doanh thu”, ông Sơn nói và cho rằng, nếu doanh thu dưới 1.000 tỷ đồng thì chi phí nuôi bộ máy vận hành là không đủ. Tất nhiên, công ty có doanh thu nhỏ vẫn có thể có lãi, đảm bảo an toàn hoạt động, nhưng về lâu dài sẽ khó phát triển.
“Bảo hiểm là ngành đặc thù, thu tiền trước trả sau, những doanh nghiệp mới thành lập cũng sẽ có lãi nếu thu được phí và chưa phát sinh bồi thường, nhưng qua 6 - 7 năm hoạt động thì số lượng công ty có nguy cơ thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả tăng dần, vì nhiều công ty tranh nhau một “miếng bánh”. Trên thực tế, với những thị trường tương tự Việt Nam, ít có doanh nghiệp bảo hiểm đạt dưới 1.000 tỷ doanh thu mà hoạt động hiệu quả”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tại thị trường Mỹ, nhiều công ty bảo hiểm nhỏ vẫn hoạt động bình thường chủ yếu là nhờ áp dụng cấp đơn điện tử, đặc biệt là không “nuôi” hệ thống giám định bồi thường.
Các công ty này sử dụng dịch vụ giám định bồi thường độc lập, văn phòng chi nhánh không cần mở nhiều, vì thế giảm thiểu được chi phí hoạt động.
Tại Việt Nam, phần lớn công ty bảo hiểm có dưới 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ cũng như doanh thu. Theo quy định hiện hành, vốn điều lệ tối thiểu của khối doanh nghiệp này là 300 tỷ đồng. Hầu hết công ty mới thành lập đều có mức vốn vừa đủ đạt yêu cầu.
Theo lãnh đạo một công ty bảo hiểm, chi nhánh “khỏe” của doanh nghiệp lớn có doanh thu cao hơn một doanh nghiệp nhỏ.
Thị trường có nhiều công ty bảo hiểm thì cơ quan quản lý khó kiểm soát, các công ty nhỏ khó cạnh tranh, dần dần hoạt động èo uột… Do đó, song song với việc hạn chế thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới, cơ quản quản lý cần nâng điều kiện về vốn pháp định.
Nhìn sang khối nhân thọ, với 17 công ty bảo hiểm đang hoạt động, mức vốn điều lệ thấp nhất cũng đạt trên 1.000 tỷ đồng, như một sự cam kết về trách nhiệm đối với khách hàng, là điểm tựa tài chính cho khách hàng trước rủi ro.
Theo khoản 1, Điều 10, Nghị định 73/2016/NĐ-CP, mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như sau:
a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;
b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;
c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ muốn tăng vốn điều lệ, nhưng hiện chưa thực hiện được vì khó thu hút vốn.