Năm 2016, ngân sách tập trung phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, chiếm hơn 91% tổng khối lượng phát hành (281.750 tỷ đồng), kỳ hạn bình quân là 8,77 năm, cao hơn 1,82 năm so năm 2015. Phát hành trái phiếu kỳ hạn dài phải trả lãi cao hơn cũng tương tự như gửi ngân hàng hay vay ngân hàng kỳ hạn dài bao giờ cũng cao hơn kỳ hạn ngắn.
Nếu tính bình quân thì đúng là lãi suất trái phiếu năm 2016 cao hơn, nhưng phân khúc ở từng loại kỳ hạn thì lại giảm từ 0,22 - 0,5% so với năm 2015.
Mặt bằng lãi suất TPCP ở mức 6,49% là khá hấp dẫn, khiến các ngân hàng đầu tư vào kênh này, thay vì cho doanh nghiệp vay vốn, thưa bà?
Hiện lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm và 7 năm bình quân dưới 6%/năm, thấp hơn khá nhiều so với lãi suất huy động tiền gửi cùng kỳ hạn của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, nếu không huy động được nguồn vốn rẻ hơn thì ngân hàng cũng không mặn mà đầu tư vào TPCP. Thực tế cho thấy, do lãi suất trái phiếu giảm, nên ngân hàng đã giảm đầu tư vào kênh này.
Nhiều người lo ngại ngân sách nhà nước tập trung huy động vốn (năm 2017 huy động 340.000 tỷ đồng) sẽ “hút” hết vốn trên thị trường. Tôi cho rằng, lo ngại này không có cơ sở, bởi nhà đầu tư vào TPCP, bên cạnh ngân hàng, còn lại là các nhà đầu tư dài hạn khác như Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm - các định chế không huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân để đầu tư vào TPCP, mà sử dụng các nguồn tiền nhàn rỗi để đầu tư.
Bảo hiểm Xã hội sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường TPCP, vì Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chuyển 364.000 tỷ đồng từ khoản ngân sách nợ Bảo hiểm Xã hội sang TPCP. Việc chuyển nợ thành trái phiếu ảnh hưởng thế nào đến độ an toàn của Quỹ Bảo hiểm xã hội, thưa bà?
Việc chuyển 364.000 tỷ đồng từ khoản vay dưới hình thức hợp đồng với Bảo hiểm Xã hội sang TPCP thực tế thì vẫn là Chính phủ vay nợ, nên mức độ an toàn như nhau, có thể nói là an toàn tuyệt đối.
Khi chuyển từ nợ vay theo hợp đồng sang vay dưới dạng công cụ nợ là trái phiếu nhằm tái cơ cấu thị trường TPCP vì thị trường sẽ tăng hàng hóa, tăng tính thanh khoản, thu hút nhà đầu tư, cơ cấu lại tỷ lệ vay trong nước/nước ngoài trên cơ sở giảm dần tỷ trọng vay nước ngoài, tăng vay trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài dễ dẫn đến rủi ro tỷ giá.
Giảm vay nước ngoài, tăng vay trong nước, nhưng vấn đề là nguồn vốn trong nước có hạn. Vậy làm sao huy động được nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào thị trường TPCP trong nước?
Quy mô thị trường TPCP Việt Nam còn quá nhỏ, hiện chỉ tương đương 37% GDP, tính thanh khoản chưa cao là 2 trong nhiều nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài chưa muốn tham gia.
Để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó có lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu. Muốn thu hút được nguồn vốn ngoại thì phải tăng quy mô thị trường; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường như Kho bạc Nhà nước, các quỹ hưu trí tự nguyện… để tăng tính thanh khoản. Và quan trọng là phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực tế đã cho thấy, mặc dù thị trường trái phiếu Việt Nam còn quá nhỏ, tính thanh khoản kém (bình quân giao dịch mới đạt 6.285 tỷ đồng/phiên), nhưng nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đặt niềm tin vào thị trường trái phiếu Việt Nam, nên năm 2016, lần đầu tiên phát hành được TPCP với kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2017 cũng như các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ thường xuyên trao đổi và tham vấn các thành viên thị trường, chủ động thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu.