Cần tránh tạo ra bất bình đẳng...
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên, được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến mới đây, đó là quy định về hoạt động chuyển nhượng vốn.
Hiện tại, hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu.
Tuy nhiên, Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế lại chưa quy định cụ thể tỷ lệ này đối với hoạt động chuyển nhượng vốn.
Do đó, hiện tại, văn bản của Bộ Tài chính đang hướng dẫn thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài theo thuế suất 20% trên tổng thu nhập.
Thực tế, đa số tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, trong khi Việt Nam chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng, nên hiện mới chỉ thu được thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn.
Để khắc phục bất cập này, tại Dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bổ sung quy định áp dụng tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài là 1% trên doanh thu, dù có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Đồng thuận việc sửa đổi quy định về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn là cần thiết, nhưng Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng phương pháp tính thuế như đề xuất tại Dự thảo Luật có thể dẫn đến một số bất cập.
Cụ thể, việc áp dụng tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài có khả năng tạo ra bất bình đẳng trong việc tính thuế chuyển nhượng vốn giữa doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức nước ngoài trong những giao dịch xác định được giá chuyển nhượng và giá vốn của phần vốn chuyển nhượng.
Cơ quan soạn thảo cần xem xét các tình huống mà tổ chức nước ngoài có phát sinh hoạt động chuyển nhượng phần vốn trong các doanh nghiệp Việt Nam là do kết quả của việc tái cấu trúc hoạt động quản lý đầu tư của tổ chức nước ngoài, mà trên thực tế không xuất hiện hoạt động chuyển nhượng vốn có phát sinh thu nhập chịu thuế (tái cấu trúc và tổ chức lại hoạt động quản lý đầu tư).
Hơn nữa, phương pháp tính thuế mới vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn trong các doanh nghiệp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong khi gián tiếp thay đổi chủ hữu vốn trong các doanh nghiệp Việt Nam (giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp).
Dẫn kinh nghiệm tính thuế chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn của phần vốn chuyển nhượng từ Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia…, Deloitte Việt Nam đề xuất, ngoài tỷ lệ 1% trên doanh thu, cơ quan quản lý nên cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn thêm phương pháp áp dụng thuế suất 20% trên phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn như hiện hành trong trường hợp doanh nghiệp có đủ cơ sở để xác định được giá chuyển nhượng của phần vốn chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, Deloitte Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc không áp thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu trong trường hợp tổ chức nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động chuyển nhượng phần vốn trong các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tái cấu trúc, hoặc tổ chức lại hoạt động quản lý đầu tư mà trên thực tế không xuất hiện hoạt động chuyển nhượng vốn có phát sinh thu nhập chịu thuế. Đồng thời, cần làm rõ đối tượng và phương pháp tính thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp.
Cũng về phương án sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định hoạt động chuyển nhượng vốn, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cho rằng, cần phải tường minh việc chuyển nhượng vốn gián tiếp.
Trên thực tế, việc xác định giá chuyển nhượng đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trực tiếp là khá rõ ràng, nhưng với chuyển nhượng vốn gián tiếp thì chưa có quy định cụ thể và khó xác định. Đây cũng là vướng mắc của nhiều nhà đầu tư.
Đó là chưa kể sẽ có sự khác biệt đối với thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn giữa nhà đầu tư nước ngoài và công ty trong nước. Cụ thể, theo Dự thảo Luật, tính thuế 1% trên doanh thu đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong khi theo quy định hiện tại, nhà đầu tư là công ty thành lập tại Việt Nam thì nộp thuế 20% trên thu nhập chịu thuế.
Do vậy, để dễ dàng hơn trong việc thực hiện, đơn giản hóa trong việc kiểm soát thu thuế và thống kê, cũng như tránh thất thu ngân sách, theo Ernst & Young Việt Nam, đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trực tiếp, vẫn nên áp dụng mức huế suất 20% trên thu nhập chịu thuế, còn với hoạt động chuyển nhượng vốn gián tiếp thì áp dụng thuế suất 1% tính trên doanh thu phát sinh từ Việt Nam.
Ernst & Young Việt Nam cũng đề xuất, sau khi Dự thảo Luật được ban hành, các nghị định và thông tư nên hướng dẫn rõ ràng hơn về xác định doanh thu phát sinh từ Việt Nam trong trường hợp cổ phần của công ty Việt Nam chỉ là một trong nhiều tài sản được nắm giữ bởi công ty mẹ và việc chuyển nhượng được thực hiện tại công ty mẹ.
… Và giảm mức thuế
Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn nộp thuế theo mức thuế suất 20%, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức thuế suất 0,1%. Điều 28 Luật này nêu rõ, thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú nộp thuế với thuế suất 0,1% trên số tiền mà cá nhân đó nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn.
Theo Bộ Tài chính, thực tế áp dụng quy định này cho thấy, rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân. Đại đa số trường hợp đều khai chênh lệch bằng 0, dẫn đến thất thu thuế, không công bằng với chuyển nhượng vốn dưới dạng chứng khoán...
Để khắc phục tình trạng này, đồng thời thống nhất với nội dung sửa đổi bổ sung tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài 1% như trên, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân (cư trú và không cư trú) ở mức 1% trên giá chuyển nhượng.
Góp ý cho quy định trên, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cho rằng, cơ quan soạn thảo nên quy định mức thuế suất đối với chuyển nhượng vốn là 0,5% đối với cá nhân không cư trú để tránh tạo khoảng cách quá xa với mức thuế suất chuyển nhượng chứng khoán là 0,1%.
“Quy định theo hướng này sẽ góp phần thu hút các nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán, cũng như đầu tư vào các dự án mới ở Việt Nam”, đại diện doanh nghiệp trên cho hay.
Liên quan đến đánh thuế dịch vụ tài chính phái sinh, việc Dự thảo Luật giữ nguyên quy định hiện hành về tỷ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài là 2% trên doanh thu, theo Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo là quá cao. Bởi bản thân dịch vụ này có thể được giao dịch nhiều lần trên một khối lượng hàng hóa, tài chính. Do đó, nên áp dụng mức thuế suất 1% như chuyển nhượng vốn thì dễ chấp nhận hơn.
Mặt khác, khi cung cấp dịch vụ tài chính phái sinh, tỷ lệ phí đối với giao dịch này không thể cao hơn 2% (mức quy định cho dịch vụ tài chính phái sinh trong giao dịch ngoại hối), nên đánh thuế cao như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ không khuyến khích mở rộng, phát triển các dịch vụ tài chính phái sinh.