Sửa thuế chuyển nhượng vốn, Bộ Tài chính sẽ bịt chiêu né thuế

(ĐTCK) Liên quan đến chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, hiện các quy định pháp luật cả về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đều đang bộc lộ những “lỗ hổng” dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, đề xuất hướng khắc phục tình trạng này của Bộ Tài chính đang nhận được những phản hồi đa chiều.
Một số ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất phương án đánh thuế 1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần là khá cao Một số ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất phương án đánh thuế 1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần là khá cao

Chỉ mặt chiêu né thuế

Liên quan đến chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, theo đánh giá của Bộ Tài chính, đang tồn tại những “lỗ hổng” dẫn đến thất thu thuế cho nhà nước.

Cụ thể, tại cuộc họp báo chuyên đề giới thiệu định hướng xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên (1 luật sửa 5 luật - PV) do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, khoản 2, Điều 23 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn nộp thuế theo mức thuế suất 20%, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức thuế suất 0,1%.

Điều 28 Luật này quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú nộp thuế với thuế suất 0,1% trên số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn.

Thực tế áp dụng quy định này cho thấy, đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan. Đại đa số các trường hợp đều khai chênh lệch bằng 0 dẫn đến thất thu thuế, không công bằng với chuyển nhượng vốn dưới dạng chứng khoán...

Tương tự, quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang bộc lộ bất cập. Theo đó, đại diện Bộ Tài chính cho hay, hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam quy định tại điểm c và điểm d khoản 2, Điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện tính thuế theo phương pháp do Chính phủ quy định (tính theo tỷ lệ % trên doanh thu).

Tuy nhiên, Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế, chưa quy định tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, nên hiện tại văn bản của Bộ Tài chính đang hướng dẫn thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài theo thuế suất 20% trên thu nhập.

Thực tế, đa số các tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, trong khi đó Việt Nam lại chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng, nên hiện mới chỉ thu được thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn.

Bộ Tài chính đề xuất cách bịt “lỗ hổng”

Để khắc phục bất cập trên, đồng thời đảm bảo quy định pháp lý về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi các quy định ở cả Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Liên quan đến hướng sửa đổi quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Thi cho biết, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bổ sung quy định áp dụng tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là 1% trên doanh thu.

Về hướng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thống nhất với nội dung sửa đổi bổ sung tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài 1% nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân (cư trú và không cư trú) ở mức 1% trên giá chuyển nhượng.

Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng rà soát, bỏ quy định kỳ tính thuế theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán tại Điều 7 Luật Thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với quy định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo từng lần chuyển nhượng, không quyết toán lại theo năm theo quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13.

Theo kế hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên, sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ trong quý III/2017, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.

Mức thuế 1% là cao?

Liên quan đến cách đánh thuế hoạt động chuyển nhượng vốn, theo phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn, trên thế giới thông thường có 2 phương pháp: đánh thuế trên lãi và đánh thuế trên giá trị chuyển nhượng vốn từng phần. Trên thực tế, do việc khó xác định và kiểm soát được giá chuyển nhượng và chi phí liên quan, nên nhiều nước áp dụng cách đánh thuế trên giá trị chuyển nhượng vốn từng phần.

Việc Bộ Tài chính đề xuất cách đánh cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trên giá trị chuyển nhượng vốn từng phần là chấp nhận được. Tuy nhiên, cả hai loại thuế này đều đánh với mức 1% trên giá chuyển nhượng vốn từng lần là cao, nên cơ quan soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh về mức hợp lý hơn.

Nhìn sâu ở góc độ chuyên môn, kế toán trưởng một công ty chứng khoán đang niêm yết phân tích, về bản chất chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn không khác nhau, bởi trên thực tế chuyển nhượng chứng khoán là một phần trong hoạt động chuyển nhượng vốn. Hiện chuyển nhượng vốn được hiểu là hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, tổ chức kinh tế...

Còn chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bởi vậy, việc hoạt động chuyển nhượng vốn bị đánh thuế 1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần, nhưng mức thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần là sự phân biệt đối xử không hợp lý, không bình đẳng...

“Do thuế đánh vào hoạt động chuyển nhượng vốn cao gấp 10 lần so với thuế đánh vào hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, nên có thể dẫn đến tình trạng lách luật. Đó là bên chuyển nhượng vốn sẽ tìm cách chuyển từ loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần để được hưởng mức thuế suất thấp hơn.

Hệ quả là nhà nước vẫn không chống được thất thu thuế, mà còn gây phiền toái cho bên chuyện nhượng vốn, cũng như các cơ quan liên quan. Bởi vậy, Bộ Tài chính nên xem xét áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, tương tự như với chuyển nhượng chứng khoán”, vị kế toán trưởng trên đề xuất.

Ghi nhận các góp ý để xem xét sửa đổi mức thuế cho hợp lý

Sửa thuế chuyển nhượng vốn, Bộ Tài chính sẽ bịt chiêu né thuế ảnh 1

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính 

Về ý kiến cho rằng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đều đánh cùng một mức thuế suất 1% trên giá trị chuyển nhượng vốn là cao, chúng tôi ghi nhận và sẽ nghiên cứu thêm trước khi đề xuất Chính phủ và Quốc hội phương án cuối cùng.

Về lý lẽ của Bộ Tài chính khi đề xuất mức thuế trên, thực tế cho thấy, đa số các tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, trong khi đó Việt Nam chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng, nên hiện mới chỉ thu được thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn dẫn đến thất thu thuế.

Do đó, để đơn giản trong việc kiểm soát thu thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định áp dụng tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là 1%.

Mặt khác, định hướng sửa đổi chính sách thuế lần này là khuyến khích hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, nên duy trì mức thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng chứng khoán từng lần, trong khi không khuyến khích hoạt động chuyển nhượng vốn, nhất là với bên chuyển nhượng là nhà đầu tư nước ngoài, nên Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 1% trên doanh thu.

Mức thuế 1% là chưa hợp lý

Sửa thuế chuyển nhượng vốn, Bộ Tài chính sẽ bịt chiêu né thuế ảnh 2

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) 

Việc đánh thuế thuyết phục hơn cả là đầu tư, kinh doanh có lãi mới phải nộp thuế. Tuy nhiên, với hoạt động chuyển nhượng vốn, trên thực tế, do cơ quan thuế khó kiểm soát được giá chuyển nhượng, cũng như các loại chi phí liên quan, nên đánh thuế trên thu nhập là không khả thi.

Bởi vậy, Bộ Tài chính đề xuất phương án đánh 1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần là hợp lý. Tuy nhiên, điểm chưa hợp lý là mức thuế này khá cao.

Hãy hình dung, khi nhà đầu tư chuyển nhượng vốn có giá trị 100 tỷ đồng, nhưng bị lỗ nặng mà vẫn phải nộp thuế tới 1 tỷ đồng. Bởi vậy, Bộ Tài chính cần xem xét giảm mức thuế này về tỷ lệ hợp lý hơn để lý lẽ đánh thuế thuyết phục hơn.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục