Nhìn chung, nhiều đại biểu cơ bản đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.
Dự thảo sửa đổi đã có tiến bộ trong việc đơn giản thủ tục hành chính là chỉ áp dụng thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số ý kiến băn khoăn về nội dung dự thảo Luật.
Chẳng hạn, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, quy định về lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực đầu tư có điều kiện, địa bàn ưu đãi đầu tư chưa được quy định cụ thể, mang tính nguyên tắc, rất khó khăn cho nhà đầu tư xác định cơ sở pháp lý cụ thể, ổn định lâu dài khi muốn tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), các quy định của Luật Đầu tư phải đảm bảo tương ứng với các quy định liên quan, đặc biệt là quy định của Luật Doanh nghiệp, đảm bảo hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp, coi đó như xương sống, nền tảng cho mọi quy định liên quan.
Đại biểu Trần Thanh Hải (TP. HCM) nêu vấn đề đầu tư chui. “Từ năm 2005, chúng ta nhập 2 luật đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài thành một và bây giờ sửa đổi, nhưng liệu dự thảo luật đã khắc phục được tình trạng đầu tư chui?”, đại biểu Trần Thanh Hải nói.
Đại biểu Hải cho biết, ở nhiều doanh nghiệp, bề ngoài là doanh nghiệp trong nước, nhưng có vào doanh nghiệp mới biết chủ là người nước ngoài, mọi quyết định là người nước ngoài, bỏ vốn cũng là người nước ngoài. Đại biểu kiến nghị, Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm để có thể khắc phục tình trạng đầu tư chui.
Về ưu đãi đầu tư, đại biểu Trần Thanh Hải e ngại, khuyến khích đầu tư trong dự luật còn mang tính “dàn hàng ngang mà tiến” cho mọi địa phương, vùng miền. Nên nghiên cứu chính sách khuyến khích theo vùng và từ đó sẽ có tác động lan tỏa tới nhiều địa phương.
Cũng về vấn đề này, một số ý kiến đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật quy định chưa thực sự phù hợp. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng chỉ nên liệt kê các hình thức ưu đãi mà không đi vào cụ thể các nội dung ưu đãi để nhà đầu tư tham khảo. Dự thảo Luật phải đảm bảo tổng hợp tất cả các loại ưu đãi đầu tư hiện có, để nhà đầu tư có thể dựa vào Luật Đầu tư biết và tìm hiểu các loại ưu đãi đầu tư mình có thể được hưởng.
Có đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét, nghiên cứu cân nhắc để làm sao thu hút đầu tư nhưng vẫn hỗ trợ sản xuất nội địa, cần có quy định về tỷ lệ nội địa hóa. Về thiết bị, quy định chỉ kiểm định khi cần thiết là không phù hợp, bởi chúng ta đang phát triển, cần thu hút công nghệ cao, công nghệ hiện đại, có thể không kiểm soát hoàn toàn nhưng phải có quy định để đảm bảo thu hút công nghệ cao thông qua thu hút đầu tư.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) đề nghị làm rõ luật này điều chỉnh đối tượng là thể nhân hay pháp nhân? Theo đại biểu Ngân, Luật này chỉ nên điều chỉnh với pháp nhân, đối với thể nhân đầu tư thì nên để những luật liên quan điều chỉnh, như Luật Chứng khoán.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần làm rõ sự khác biệt giữa doanh nghiệp có 51% vốn nước ngoài và dưới tỷ lệ này. Được biết, quy định này đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn, lúng túng cho việc xác định thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, gỡ khó cho các doanh nghiệp bị hạn chế kinh doanh, bị hủy niêm yết sau khi có nhà đầu tư nước ngoài vào, dù tỷ lệ rất nhỏ như trường hợp của Mekophar. Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn phải làm rõ giữa 2 loại doanh nghiệp này có ưu đãi, quy định gì khác biệt hay không.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: “Tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng là đúng, nhưng trong một số trường hợp thì tách bạch nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng rất cần thiết để có giải pháp quản lý nhà nước đúng đắn. Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài như trong dự án luật này là chưa rõ”.
Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý dự thảo luật vẫn còn nhiều quy định chung chung và thiếu minh bạch; cần làm rõ hơn khái niệm nhà đầu tư nước ngoài; thống nhất lại các hình thức đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; thủ tục đầu tư; việc điều chỉnh, tạm ngừng và ngừng hoạt động của các dự án đầu tư; thẩm quyền quyết định đầu tư nước ngoài…