Vốn mỏng, nên chăng cần sửa Luật Đầu tư?

(ĐTCK) Trong dự thảo sửa đổi Luật thuế Thu nhập DN (TNDN), lần đầu tiên Bộ Tài chính gián tiếp đưa ra quy định về vốn mỏng, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng DN kinh doanh chủ yếu bằng vốn đi vay.
Ông Bùi Ngọc Tuấn. Ông Bùi Ngọc Tuấn.

Về vấn đề này, ĐTCK trao đổi với ông Bùi Ngọc Tuấn, Giám đốc Tư vấn Thuế cao cấp, Deloitte Việt Nam.

Tình trạng DN kinh doanh chủ yếu bằng vốn đi vay khi gặp bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn kéo dài như hiện tại, không chỉ khiến họ dễ “chết”, mà còn tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô. Việt Nam đã có quy định gì về vấn đề này, thưa ông?

Trước năm 2006, khi Luật Đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, quy định về vốn mỏng đã được áp dụng. Theo đó, khi NĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam , thì phần vốn pháp định (vốn điều lệ) phải chiếm ít nhất 30% tổng vốn đầu tư, nghĩa là vốn vay tối đa là 70%. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ra đời, đã không còn quy định về vốn mỏng.

Vì “khoảng trống” trên mà hiện rất phổ biến tình trạng DN chủ yếu hoạt động bằng vốn đi vay. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, luân chuyển vốn giữa các đối tượng kinh doanh khác nhau tốt, thì mọi việc khá ổn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế liên tục gặp khó khăn như hiện tại, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN rơi vào tình trạng cầm chừng, nhất là chi phí trả lãi suất cao, đã khiến nhiều DN bị thua lỗ kéo dài, đứng trước bờ vực phá sản. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến hoạt động của DN, mà cả nền kinh tế, nhất là góp phần làm tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Bởi vậy, dự thảo Luật thuế TNDN gián tiếp đưa ra quy định về vốn mỏng là hợp lý.

 

Dự thảo Luật quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu, riêng một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn, nhưng không quá 10 lần vốn chủ sở hữu. Theo ông, quy định này đã hợp lý?

Nói một cách chính xác, về mặt tài chính, DN thực sự phải áp dụng chính sách vốn mỏng nếu quy định này được đưa vào Luật Đầu tư sửa đổi trong thời gian tới. Trên khía cạnh thuế, Luật thuế TNDN chỉ đưa ra khống chế đối với chi phí lãi vay được trừ, mà không bắt buộc DN phải áp dụng chính sách vốn mỏng. Tuy nhiên, đây là điểm mới, tạo tiền đề cho việc vận dụng chính sách đầu tư trong thời gian tới được phù hợp hơn. Với quy định như dự thảo và nếu được luật hóa trong quy định của Luật Đầu tư, thì tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu của DN vẫn còn cao, bởi DN chỉ có 25% vốn chủ sở hữu, còn lại tới 75% là vốn đi vay. Tỷ lệ này nếu nhìn ở khía cạnh DN vay để sử dụng cho mục đích là vốn lưu động, thì có thể tạm chấp nhận được, bởi trong thực tế hoạt động của DN, vốn lưu động có tốc độ luân chuyển cao hơn nhiều so với các khoản vay trung và dài hạn đầu tư vào các loại tài sản cố định như máy móc, thiết bị... Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh DN vận dụng trần vốn vay như quy định của dự thảo để chủ yếu vay các khoản trung và dài hạn, thì đó là một tỷ lệ khá cao mà nếu DN kiểm soát không tốt, rất dễ tác động tiêu cực đến “sức khỏe” tài chính. Thực tế, với tỷ lệ vay này trong trung và dài hạn, DN sẽ phát sinh tăng tỷ trọng chi phí đầu vào. Điều này là khá rủi ro nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN rơi vào tình cảnh khó khăn, doanh thu không bù đắp được chi phí, nhất là chi phí trả lãi vay cao.

 

Theo ông, nếu Luật Đầu tư được sửa đổi trong thời gian tới, thì có nên điều chỉnh theo hướng DN cần có vốn chủ sở hữu ít nhất trên 25%, nhằm góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho DN, nhất là khi đối mặt với những “cú sốc” vĩ mô, thị trường, khiến nhiều DN bất ngờ thất bại như hiện tại?

Rất khó đưa ra “tỷ lệ vàng” về vốn vay trên vốn chủ sở hữu sao cho góp phần giảm thiểu rủi ro mất an toàn tài chính đối với hoạt động của DN. Lý do là bởi, với những DN kiểm soát tốt dòng tiền, có tiềm năng phát triển tốt, quản trị rủi ro luôn được coi trọng, thì tỷ lệ vốn vay - vốn chủ là 75%/25% chưa hẳn là cao. Ngược lại, cùng tỷ lệ này, nhưng ở những DN kiểm soát dòng tiền kém, hoạt động ở những lĩnh vực dễ bị tổn thương khi ngành kinh doanh, cũng như kinh tế vĩ mô có biến động, thì được coi là cao. Chỉ cần gặp một sự cố nào đó khiến dòng tiền bị ngưng trệ, hoạt động sản xuất - kinh doanh rơi vào khó khăn, DN sẽ rất khó thu xếp nguồn để trả lãi vay, cũng như thanh toán nợ gốc.

Từ thực tiễn trên đòi hỏi, quá trình soạn thảo Luật thuế TNDN cần kết hợp với định hướng sửa đổi Luật Đầu tư để có nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, nhằm đưa ra tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu sao cho hợp lý hơn. Theo đó, một mặt vừa góp phần giảm thiểu rủi ro do tỷ lệ vốn vay quá cao, nhưng đồng thời cũng tránh đưa ra tỷ lệ vốn chủ sở hữu quá cao so với tỷ lệ vốn vay, bởi dễ gây cản trở hoạt động thành lập mới DN trong một số ngành nghề không yêu cầu tỷ trọng vốn điều lệ cao.

Hữu Hòe thực hiện.
Hữu Hòe thực hiện.

Tin cùng chuyên mục