Sửa Luật 69: Ưu tiên khơi thông vướng mắc cho doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Dự thảo lần 4 Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi Luật số 69/2014/QH13) mà Bộ Tài chính xây dựng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nhiều nhóm nội dung cần tiếp tục chỉnh sửa.
Cần tạo điều kiện để DNNN đầu tư vào những lĩnh vực mới, lĩnh vực khó, mở đường dẫn dắt cho các doanh nghiệp khác Cần tạo điều kiện để DNNN đầu tư vào những lĩnh vực mới, lĩnh vực khó, mở đường dẫn dắt cho các doanh nghiệp khác

Cần xử lý các vướng mắc, giảm thiểu thủ tục

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc sửa đổi Luật 69 cần phải xử lý được những vướng mắc hiện nay, giảm thiểu thủ tục hành chính, đảm bảo không mâu thuẫn với các quy định pháp luật chung về tổ chức quản lý hoạt động và đầu tư áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời kế thừa một số quy định tại Luật 69 đang thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn (như bố cục kết cấu, đối tượng áp dụng, các khái niệm, nội dung về quản lý, đầu tư vốn nhà nước…).

Trên thực tế, qua theo dõi, nghiên cứu thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), những tồn tại, hạn chế của khu vực này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, bắt nguồn từ các nguyên nhân cơ bản gồm: bất cập trong hệ thống pháp luật về DNNN; chưa thật sự phân cấp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh, quản trị và quản lý điều hành; các quy định về tiền lương và chế độ đãi ngộ khác cho người quản lý doanh nghiệp chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động; công tác quản lý nhà nước đối với DNNN chưa rõ ràng.

Giới doanh nghiệp kỳ vọng, những tồn tại, hạn chế trên sẽ được tháo gỡ bằng cách sửa Luật 69. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi lại quy định nhiều nội dung phê duyệt của cấp có thẩm quyền, của cơ quan đại diện chủ sở hữu, làm giảm tính chủ động của DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và chưa thực hiện phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chẳng hạn, dự thảo Luật bổ sung quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu phải xin ý kiến cơ quan tài chính cùng cấp đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, việc này sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, giảm tính tự chủ của doanh nghiệp, không phù hợp với thực tiễn.

Thậm chí, theo phân tích của lãnh đạo một doanh nghiệp, quy định bổ sung đó sẽ không thể thực hiện trên thực tế. Ví dụ, UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu phần vốn của doanh nghiệp lại phải đi xin ý kiến của Sở Tài chính.

Về mức phân cấp đầu tư, dự thảo Luật quy định mức phân cấp 1.000 tỷ đồng cho hội đồng thành viên của DNNN, thấp hơn nhiều so với quy định tại Luật 69 hiện hành (2.300 tỷ đồng); quy định quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước không phân biệt tỷ lệ vốn nhà nước cũng phải chịu sự điều chỉnh như doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là không phù hợp, chưa tạo sự chủ động cho doanh nghiệp.

Các nhóm nội dung cần cải thiện

Nhiều nội dung vướng mắc tại Luật 69 chưa được giải quyết tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các nguyên tắc, mục tiêu quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Bộ Tài chính nêu tại Tờ trình cơ bản đã bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN. Tuy nhiên, việc thiết kế nội dung chính sách tại dự thảo Luật lại chưa thể hiện được các nguyên tắc nêu trên, chưa mang tính tổng thể và toàn diện, chưa thể hiện tinh thần phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, các nội dung vướng mắc tại Luật 69 chưa được giải quyết tại dự thảo Luật.

Cụ thể, trong nhóm nội dung về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động của doanh nghiệp, một trong những điểm hạn chế dẫn đến chưa khơi thông nguồn lực của DNNN trong thời gian qua là các quy định tại Luật 69 chưa tạo ra tính chủ động cho DNNN (hoạt động của DNNN phải qua nhiều tầng nấc, nhiều cơ quan cùng tham gia vào quá trình quyết định sản xuất - kinh doanh nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm). Dự thảo Luật đã đưa ra các nguyên tắc về tăng cường phân cấp, phân quyền, nhưng các quy định cụ thể thì đi ngược lại các nguyên tắc này, chưa thực hiện phân cấp mạnh mẽ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ví dụ, tại khoản 2 Điều 15 Chương IV (hoạt động đầu tư của doanh nghiệp), Chương V (sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước), Chương VII (quản trị doanh nghiệp), Chương VIII (giám sát, kiểm tra, thanh tra), Nhà nước can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (áp dụng tương tự như DNNN nắm giữ 100% vốn), trong khi tại các doanh nghiệp này, Nhà nước chỉ thực hiện vai trò của một cổ đông, thành viên góp vốn thông qua người đại diện phần vốn.

Với nhóm các nội dung về đánh giá hiệu quả doanh nghiệp, Luật 69 đưa ra nguyên tắc “bảo toàn và phát triển vốn nhà nước” là cần thiết, nhưng cũng là nguyên nhân khiến các DNNN, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô lớn chưa dám đầu tư vào những lĩnh vực mới, lĩnh vực khó, mở đường dẫn dắt cho các doanh nghiệp khác. Dự thảo Luật đã đưa ra quy định về đánh giá tổng thể các dự án đầu tư, nhưng mới dừng ở mức độ nguyên tắc, chưa cụ thể hóa các quy định để Chính phủ có căn cứ hướng dẫn, tránh việc có cách hiểu khác nhau về nguyên tắc bảo toàn vốn khi đánh giá hiệu quả doanh nghiệp.

Với nhóm nội dung về quy trình thủ tục quản lý, đầu tư vốn nhà nước, Luật 69 quy định về quản lý, sử dụng và đầu tư vốn nhà nước, nhưng chưa đưa ra các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục. Dự thảo Luật đã quy định các quy trình, thủ tục, nhưng chưa có đánh giá tác động để xem quy trình đã đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với thực tiễn triển khai hay không. Hơn nữa, dự thảo Luật còn đưa ra các quy trình với sự tham gia của cơ quan tài chính cùng cấp trong nhiều hoạt động của doanh nghiệp, mâu thuẫn với quan điểm cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (dự thảo Luật lần 4 có tới 103 cụm từ “phê duyệt” so với 25 cụm từ “phê duyệt” tại Luật 69).

Về nhóm nội dung quản lý nhà nước và quản lý vốn của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp, Luật 69 chưa đề cập rõ. Dự thảo Luật đã quy định nội dung này, nhưng nhiều nội dung còn lẫn giữa quản lý vốn của chủ sở hữu nhà nước và quản lý nhà nước đối với DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước, tăng thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với nhóm nội dung về xử lý các vướng mắc trong thực tiễn của doanh nghiệp, qua quá trình quản lý, theo dõi DNNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, Luật 69 chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, chưa xem xét vai trò mới của các DNNN trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ví dụ việc sáp nhập các công ty con và công ty mẹ; chưa có cơ chế, chính sách để DNNN quy mô lớn thực hiện đầu tư các dự án đầu tư trong các lĩnh vực mới; chưa làm rõ mô hình SCIC theo hướng là doanh nghiệp hay Quỹ đầu tư của Chính phủ...). Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn đó.

Về giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá và báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật hiện quy định nội dung giám sát, thanh tra hoạt động đầu tư của DNNN bao gồm việc thanh tra, giám sát việc bảo toàn phát triển vốn của doanh nghiệp. Bộ Tài chính cần nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ khi giao DNNN lớn, tập đoàn, tổng công ty thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực mới, đổi mới sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế (chip, hydrogen, AI…). Trên cơ sở đó, các DNNN có căn cứ pháp lý để nghiên cứu, thực hiện đầu tư các dự án lớn, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, khơi thông nguồn lực, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về cơ chế, chính sách để DNNN quy mô lớn thực hiện vai trò dẫn dắt, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về việc xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu. Do vậy, cần xây dựng một số cơ chế, chính sách đột phá nhằm huy động nguồn lực của một số DNNN lớn, phát huy vai trò tiên phong trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ví dụ, xem xét cho tăng mức trích Quỹ đầu tư phát triển cao hơn so với các doanh nghiệp khác (có thể ở mức 80% lợi nhuận trên cơ sở đảm bảo hài hòa với mục tiêu thu ngân sách nhà nước); hay giao nhiệm vụ cho DNNN quy mô lớn thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, các bài toán lớn của nền kinh tế…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét các ý kiến góp ý để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật. Theo kế hoạch, ngày 26/9 tới, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo luật này.

Về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu: Việc xây dựng Luật cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm phân cấp, phân quyền đi đôi nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực có hiệu quả; quy định cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của từng cấp quản lý; đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý doanh nghiệp theo mục tiêu tổng thể, không theo từng dự án; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp; tập trung vào quy định quản lý và đầu tư hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để tạo cơ chế thông thoáng làm động lực cho DNNN tổ chức sản xuất - kinh doanh hiệu quả, khơi thông nguồn lực cho phát triển (trong đó có nguồn lực đất đai) thay vì hạn chế quyền của DNNN trong việc đầu tư, góp vốn để sản xuất - kinh doanh...

(Theo Nghị quyết số 126/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024 của Chính phủ)

Anh Việt - Hà Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục