Sửa lỗi mô hình, cơ cấu lại “ông lớn” đường sắt

0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ chỉ có khoảng 2 năm để hoàn thành Đề án cơ cấu lại nhằm tiến gần hơn với cơ chế thị trường với việc hình thành 2 đơn vị vận tải chuyên biệt là hàng hóa và hành khách.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: Đức Thanh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: Đức Thanh

Sửa lỗi mô hình

Quá trình cơ cấu lại VNR vốn liên tục bị trì hoãn vừa có thêm những bước tiến mới khi vào cuối tuần trước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong vai trò đại diện chủ sở hữu đã có Tờ trình số 2255/TTr-UBQLV đề nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái xem xét phê duyệt Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.

Đây là tờ trình thứ hai liên quan đến việc cơ cấu lại VNR - doanh nghiệp duy nhất Việt Nam hiện nay kinh doanh, khai thác hệ thống kết cấu đường sắt quốc gia được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong vòng 3 tháng trở lại đây, sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng như của các bộ, ngành liên quan.

So với tờ trình được gửi đi vào giữa tháng 7/2023, phần lớn các nội dung cơ cấu lại, đặc biệt là phương án cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp VNR đến năm 2025 được cơ bản giữ nguyên.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, VNR không tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ và các công ty thành viên, mà chỉ thực hiện hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans) thành 1 công ty cổ phần vận tải đường sắt; giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm là 77,37%.

Bên cạnh đó, VNR sẽ tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức và duy trì tỷ lệ phần vốn góp mà Tổng công ty đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 công ty cổ phần đường sắt và 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt; giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ là 51%, Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang là 44,44%, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt là 18,45%; không thực hiện thoái vốn đối với các công ty liên kết: Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.

Tại Tờ trình số 2255, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục cho VNR thực hiện thoái hết vốn nhà nước nắm giữ tại công ty cổ phần theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.

Về lộ trình hình thành công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt, theo đề xuất của VNR, sau khi hợp nhất, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (doanh nghiệp đã được hợp nhất) thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt".

Như vậy, kết thúc năm 2025 trong điều kiện cho phép sẽ thực hiện xong việc hợp nhất 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt, ổn định tổ chức để hoạt động. Việc hình thành công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa sẽ được VNR nghiên cứu và xin ý kiến đại diện chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm phù hợp của giai đoạn sau.

Trước đó, vào tháng 5/2017, trong Đề xuất tổ chức lại hoạt động vận tải gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), VNR thừa nhận thất bại trong việc chuyển Haraco và Saratrans thành các công ty cổ phần.

Sau khi chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu tháng 1/2016, kết quả kinh doanh của Haraco và Saratrans đều lao dốc cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.

Lãnh đạo VNR cho biết, Haraco và Saratrans đang kinh doanh cả dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách trên cùng một tuyến đường sắt đơn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa hai đơn vị. Có thời điểm, tại cùng 1 ga, 1 địa điểm kinh doanh, cả hai đơn vị đều bố trí lao động, thuê trụ sở, kho bãi… làm tăng chi phí, phân tán nguồn lực, năng suất lao động thấp.

Duy trì công nghiệp đường sắt

Cần phải nói thêm rằng, mặc dù đã nhận thức được sự bất cập trong mô hình tổ chức, nhưng quá trình “sửa lỗi” của VNR diễn ra rất chậm.

VNR bắt đầu xây dựng Đề án từ năm 2016, với mục tiêu sắp xếp lại và thoái vốn các doanh nghiệp trong toàn Tổng công ty, đảm bảo cho đơn vị có mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý hơn, theo hướng tập trung vào 3 ngành nghề cốt lõi là vận tải đường sắt, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ khí đường sắt, với ưu tiên trước mắt là tổ chức lại 2 công ty kinh doanh vận tải chủ lực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn 2017 - 2020 đã liên tục bị lùi thời gian triển khai và hiện đã phải nới thời gian thực hiện đến tận năm 2025.

Được biết, trong quá trình góp ý Đề án cơ cấu lại VNR đến năm 2025, Bộ GTVT cho rằng, Tổng công ty đang tiến hành các bước hợp nhất Haraco và Saratrans thành 1 công ty cổ phần vận tải đường sắt. Dự kiến sau khi hợp nhất và đi vào hoạt động, tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ tại công ty này sẽ lớn hơn 80% vốn điều lệ.

“VNR cần nghiên cứu Kết luận số 49- KL/TW ngày 28/3/2023 của Bộ Chính trị và Đề án của Bộ GTVT về tổng kết việc thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị để điều chỉnh, bổ sung phù hợp; xây dựng các giải pháp đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của VNR tại các công ty cổ phần vận tải đường sắt, hướng tới chuyên môn hóa 1 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, 1 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT góp ý.

Tại Tờ trình số 2255, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng thuận với ý kiến của các bộ về việc giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Công ty mẹ - VNR tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sau hợp nhất, nhằm tách bạch hoạt động điều hành và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia thị trường vận tải đường sắt.

Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng thống nhất với giải trình của VNR về lộ trình giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty mẹ - VNR tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sau hợp nhất.

Cụ thể, sau khi doanh nghiệp hợp nhất đi vào hoạt động, trên cơ sở đánh giá 1-2 năm thực tiễn hoạt động, VNR sẽ nghiên cứu định hướng: giảm tỷ lệ chi phối tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sau hợp nhất; định hướng chuyên môn hóa doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách.

“Như vậy, lộ trình giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty mẹ - VNR tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sau hợp nhất được đưa vào Đề án là phù hợp”, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.

Liên quan đến việc tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, thực tiễn cho thấy, hoạt động của 2 công ty cổ phần xe lửa Dĩ An và Gia Lâm hiện còn rất nhiều khó khăn và tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển giao công nghệ sắp tới.

“Việc tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối tại các CTCP công nghiệp đường sắt trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm duy trì nền tảng công nghiệp đường sắt trong bối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao đang được đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, VNR cần sớm xây dựng phương án tăng năng lực, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp đường sắt (tăng vốn điều lệ, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược...) tương xứng với quỹ đất đang quản lý, sử dụng”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.

Các mục tiêu của Đề án cơ cấu lại VNR

- Công ty mẹ - VNR: Doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề tối thiểu đạt 14%; hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ: đi đúng giờ là 98%; đến đúng giờ là 79%. Tàu khách Thống nhất, tàu khách khu đoạn đi, đến đúng giờ phấn đấu đạt tương đương giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể: tàu khách thống nhất đi đúng giờ đạt 98%, đến đúng giờ đạt 77%; tàu khách khu đoạn đi đúng giờ đạt 97%, đến đúng giờ đạt 80%.

- Các công ty do VNR sở hữu cổ phần chi phối đạt doanh thu vận tải tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 11%; giá trị sản lượng và doanh thu quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề 7 - 8%; giá trị sản lượng và doanh thu công nghiệp, cơ khí bình quân năm sau tối thiểu đạt bằng năm trước liền kề.

- Hoàn thành công tác thoái vốn tại các công ty cổ phần liên kết theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục