Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu sẽ tập trung vào 7 nội dung trọng tâm, thực sự cấp bách và phù hợp với tình hình thực tiễn, theo lãnh đạo Bộ Công Thương.
Tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu là một trong những nội dung lớn tại báo cáo của Bộ Công Thương gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ phiên thẩm tra sáng 26/4 của Uỷ ban.
Khá nhiều thông tin tại báo cáo này đã được Bộ Công Thương báo cáo tại Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tại phiên giải trình do Uỷ ban Kinh tế tổ chức mới đây.
Ở báo cáo này, Bộ khẳng định “Cho đến nay, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước quý I/2023 và dự kiến trong quý II/ 2023 được đảm bảo”.
Trong điều hành giá, báo cáo nêu rõ: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi tình hình thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để thực hiện việc điều hành giá xăng dầu, trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu, nhà nước, nhân dân.
Báo cáo cũng cập nhật quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu nhưng chủ yếu liệt kê các đầu việc, ít đề cập nội dung cụ thể.
Theo báo cáo, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định theo phương án đã được báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm, thực sự cấp bách và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cụ thể là sửa đổi về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu; thời gian điều hành/công bố giá; vấn đề đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn; cắt giảm khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu; yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử các với cơ quan thuế; quy định cụ thể hơn về dự trữ lưu thông bắt buộc; quy định phù hợp hơn về việc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện đối với thương nhân kinh doanh đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu.
Cụ thể hơn nữa là sẽ sửa thế nào và khi nào sẽ sửa xong thì báo cáo của Bộ không nêu.
Trước đó, tại phiên giải trình do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức hồi cuối tháng 2/2023, câu hỏi tại sao Nghị định 95/2021/NĐ-CP vừa ra đời đã bộc lộ bất cập và bất cập đó kéo dài đến hiện tại, sửa Nghị định này thì giải quyết được bất cập gì của hoạt động kinh doanh xăng dầu, trách nhiệm của cơ quan tham mưu thế nào? đã được đặt ra.
Câu trả lời khi đó của người đứng đầu ngành công thương là trách nhiệm tham mưu là của tất cả các cơ quan có liên quan chứ không của riêng bộ, ngành nào.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, giải pháp căn cơ để ổn định thị trường này không quá khó, có điều bao giờ được thực thi đầy đủ thì ông cũng... chịu!
Trong khi đó, Ủy ban Kinh của Quốc hội, từ năm 2022 đã kiến nghị cần sớm điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhằm từng bước điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chưa nên sửa Nghị định 95/2021/NĐ/CP một cách chắp vá mà cần nghiên cứu sửa căn bản, bớt kiểm soát của nhà nước, cho thị trường vận hành nhiều hơn, cho doanh nghiệp tự chủ, tự quyết nhiều hơn, cạnh tranh hơn. Như thế sẽ giải quyết được vấn đề trước mắt và lâu dài của thị trường xăng, dầu.