Dòng tiền chuyển hướng
Theo Báo cáo, trong những năm gần đây, một trong những thách thức chính đối với các nhà đầu tư ưu tiên lợi tức là các khoản đầu tư truyền thống mang lại lợi suất thấp, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng tốt.
Điều này khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận nhiều rủi ro hơn, thông qua các loại tài sản có biến động lớn hơn (ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro tín dụng cao hơn và cổ phiếu với cổ tức cao hơn) hoặc bằng cách sử dụng đòn bẩy (vay tiền để đầu tư thêm).
Về cơ bản, lãi suất tăng đồng nghĩa với lợi suất tiền mặt kỳ hạn 3 tháng cao hơn đáng kể so với cách đây 12-24 tháng (2,33% của đồng USD hiện nay so với mức 0,25% vào đầu năm 2015). Điều này làm tăng tính cạnh tranh cho các khoản đầu tư ưu tiên lợi tức, gây áp lực tăng lợi suất trái phiếu và trở thành thách thức đối với các tài sản tạo lợi tức khác về tổng thể.
Lãi suất tăng cũng làm tăng chi phí của các nhà đầu tư, khả năng làm giảm động lực đầu tư và tạo thêm áp lực giảm giá đối với tài sản tạo lợi tức.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Standard Chartered, đối với các nhà đầu tư mong muốn đầu tư thêm, lãi suất/lợi suất tăng cao tạo cơ hội để xây dựng danh mục cân bằng hơn với rủi ro thấp hơn, giả định mức sinh lời mục tiêu của danh mục đầu tư không thay đổi.
"Chúng tôi bắt đầu dự báo triển vọng tích cực đối với danh mục phân bổ đa tài sản trong năm 2012 trong bối cảnh lãi suất cực thấp. Tuy nhiên, vào cuối năm 2016, chúng tôi nhấn mạnh rằng, đối với các nhà đầu tư không nhất định phải có mục tiêu tạo lợi tức, các tài sản thiên về tăng trưởng có thể hấp dẫn khi chu kỳ kinh tế bước vào giai đoạn sau", Báo cáo nhận định.
Nói một cách đơn giản, điều này cho thấy, thị trường đang chuyển hướng từ các trái phiếu có lợi suất cao và cổ phiếu có cổ tức cao sang các cổ phiếu có tính chu kỳ của thị trường chứng khoán, loại cổ phiếu có xu hướng tăng trưởng tốt khi nền kinh tế mạnh lên.
Theo Standard Chartered, chiến lược này hợp lý, ngay cả trong điều kiện Fed tiếp tục tăng dần lãi suất.
Chưa thể xảy ra khủng hoảng
Theo Standard Chartered, thời gian qua đã chứng kiến nhiều tài sản tại các thị trường mới nổi giảm giá đáng kể. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề này bao quát hơn và sâu hơn.
Cụ thể, nếu đánh giá sâu hơn, đồng tiền các thị trường mới nổi đã giảm tổng cộng 7 - 8% từ mức đỉnh trong năm nay. Tuy nhiên, so với mức giảm trên 30% trong giai đoạn 2013-2016, mức giá hiện tại vẫn chưa giảm quá mức thấp nhất trong 12 tháng, chưa kể đến mức đáy năm 2016.
Trong khi đó, xét một cách tổng thể, cổ phiếu, trái phiếu và đồng tiền tại các thị trường mới nổi bên ngoài châu Á đã suy yếu hơn nhiều so với các tài sản cùng loại tại châu Á, nơi mà cổ phiếu phần lớn dao động đi ngang và các đồng tiền cũng như trái phiếu chỉ suy yếu nhẹ.
Tất nhiên, theo Standard Chartered, kịch bản tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Một cách đánh giá khác lạc quan hơn thì đây không phải dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng, thay vào đó, chỉ một vài nền kinh tế mới nổi cá biệt - đặc biệt là những quốc gia trước đây đã nhận được dòng vốn nước ngoài nhiều nhất - chịu áp lực lớn, dẫn đến một số nhà đầu tư cẩn trọng trong việc phân bổ tài sản của họ.
Theo Standard Chartered, hiệu suất của đồng USD (và lợi suất trái phiếu Mỹ) rất quan trọng đối với triển vọng thời điểm này. Đồng USD mạnh lên rõ ràng là thách thức đối với các thị trường mới nổi vì điều này làm tăng chi phí vay đồng USD và làm tăng áp lực lạm phát trong nước.
Như vậy, các ngân hàng trung ương sẽ phải tập trung vào kiểm soát lạm phát thay vì hỗ trợ tăng trưởng, gây trở ngại tương đương nhau đối với trái phiếu và cổ phiếu
"Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, yếu tố dài hạn tác động khiến đồng USD suy yếu - thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại tăng tại Mỹ và khả năng bình thường hóa chính sách tiền tệ tại châu Âu – vẫn không thay đổi. Do đó, chúng tôi tin rằng, việc trái phiếu các thị trường mới nổi (cả trên đồng USD và đồng nội tệ) cũng như chứng khoán châu Á ngoài Nhật Bản giảm giá gần đây mang đến cơ hội tốt", Báo cáo nhận định.