Thị trường chứng khoán Malaysia và Indonesia đã theo hướng xuống dốc trong vài tháng gần đây. Một vài đồng tiền của các quốc gia châu Á đã giảm giá sâu so với đồng USD trong năm nay, bao gồm đồng rupee Ấn Độ và peso Philippines. Lợi suất trái phiếu chính phủ của nhiều quốc gia cũng tăng lên, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ tăng mạnh lên 7,28%/năm, so với mức 6,31%/năm vào cuối tháng 12/2017.
Tuy nhiên, giới đầu tư đánh giá, tình trạng của các thị trường mới nổi tại châu Á vẫn tích cực hơn nhiều so với các thị trường cùng hạng tại những châu lục khác, nhờ vào sự chuẩn bị kỹ càng. Cụ thể, kể từ năm 2013, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu đưa ra tín hiệu về việc sẽ tiến hành thắt chặt tiền tệ, giới đầu tư đã có động thái rút chân khỏi các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương của các quốc gia đang phát triển châu Á đã có nhiều chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm kiểm soát dòng tiền, đồng thời tích cực cổ vũ hoạt động đầu tư.
Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định của các quốc gia châu Á cũng giúp nhà đầu tư vững tin hơn khi “đặt cược” tại đây, điều mà họ khó lòng dám làm tại các thị trường như Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đang ở giai đoạn nóng bỏng nhất của cuộc khủng hoảng.
Eric Wong, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Fidelity International cho biết: “Chúng tôi đặt các khoản đầu tư bằng USD của mình vào châu Á và xem đây là thị trường bàn đạp cho động lực tăng trưởng giai đoạn tới”.
Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh một thực tế, đó là châu Á là nơi mà các dòng tiền vào - ra luôn diễn ra mạnh mẽ nhất trong các thị trường mới nổi. Khu vực này giữ vị trí số một về lượng tiền đổ vào hoặc rút ra trong số các thị trường mới nổi trên toàn cầu 19 tháng trong 24 tháng qua, theo số liệu của IIF.
Trước tình trạng này, trong những tuần gần đây, các ngân hàng trung ương châu Á đã nhanh chóng có hành động điều chỉnh tỷ giá. Chẳng hạn, vào tuần trước, Ấn Độ đã nâng lãi suất cho vay lên 6,25%/năm, từ mức 6%/năm, lần đầu tiên trong 4 năm qua. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết, việc nâng lãi suất là bởi lạm phát gia tăng và quốc gia này cần không gian để kiểm soát yếu tố này.
Trong tháng trước, Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng đã nâng lãi suất 2 lần liên tiếp trong 2 tuần nhằm hỗ trợ đồng rupiah. Nếu động thái này diễn ra cách đây vài năm, đây có thể xem là hành động trong hoảng loạn, nhưng hiện tại, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã nhanh chóng có kết nối với các nhà đầu tư chỉ vài giờ sau khi nâng lãi suất lần thứ hai, chứng minh chiến lược kết nối với nhà đầu tư đã được cải thiện, Roland Mieth, nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại Pacific Investment Management Co cho biết.
Bên cạnh đó, các thị trường chứng khoán châu Á dần nghiêng về cổ phiếu công nghệ cũng tạo lợi thế trong bối cảnh dòng tiền thoái lui. Nhóm cổ phiếu công nghệ gần đây đã tăng tỷ trọng lên 27% trong chỉ số châu Á - Thái Bình Dương của MSCI, ngoại trừ Nhật Bản, vốn bao gồm các cổ phiếu tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, cao hơn so với tỷ trọng 18% cổ phiếu công nghệ trong chỉ số toàn cầu (World Index) của MSCI.
“Rất nhiều nhà đầu tư có biện pháp phòng hộ ngay chính tại châu Á. Đây là lực đỡ kỹ thuật rất mạnh mà các thị trường mới nổi tại Mỹ Latinh không có được. Ngoài châu Á, nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi thường chỉ như khách du lịch, họ sẽ rời đi ngay khi tiệc tàn”, Eric Wong cho biết.