Hai nội dung chú ý
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa ký Quyết định số 1118/QĐ - BGTVT (Quyết định 1118) về việc thành lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không về chấp hành các quy định pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Mặc dù trong tiêu đề chỉ là “lập Tổ công tác để làm việc”, nhưng tại Quyết định 1118 có 2 nội dung rất đáng chú ý.
Nội dung đầu tiên là thành phần Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không. Cụ thể, ngoài đại diện Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các thành viên khác của đoàn làm việc theo Quyết định 1118 còn đến từ Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương); Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Trong số này, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng góp 2 thành viên là lãnh đạo Cục và lãnh đạo Phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Nội dung đáng chú ý thứ hai liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tổ công tác. Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không về việc chấp hành các quy định pháp luật của Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Tổ công tác sẽ phải báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT, trong đó làm rõ việc chấp hành các quy định pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý các tồn tại, vướng mắc (nếu có).
Cần phải nói thêm rằng, trong Quyết định 1118, Bộ GTVT không nói rõ lý do thành lập Tổ công tác. Tuy nhiên, trong văn bản đề nghị các bộ, ngành cử cán bộ tham gia Tổ công tác, Bộ GTVT cho biết, việc lập Tổ công tác là để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 24/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, trong đó có việc giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.
Lệch quan điểm
Liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không đang xây dựng các giá vé trên cơ sở Khung giá tối đa dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT (Thông tư 17) ngày 3/5/2019 của Bộ GTVT.
Hiện tại, các hãng hàng không vẫn thực hiện bán vé máy bay theo cơ chế giá linh hoạt, xây dựng nhiều dải giá từ thấp đến cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách, đảm bảo mức giá kê khai không vượt mức giá tối đa quy định.
Theo rà soát của Cục Hàng không, các hãng hàng không đều đang kê khai mức giá hạng vé phổ thông cơ bản cao nhất, bằng hoặc gần bằng (tỷ lệ từ 98,8% đến 100%) mức giá tối đa quy định tại Thông tư 17. Đồng thời, các hãng thực hiện kê khai mức giá hạng vé phổ thông cơ bản thấp nhất, tỷ lệ từ 2,2% đến 41,4% mức giá tối đa quy định tại Thông tư 17.
Liên quan đến vấn đề này, theo quan điểm của Vietnam Airlines, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cũng như đảm bảo sức khỏe tài chính của các hãng trong nước để cạnh tranh với các hãng nước ngoài và đủ chi phí duy trì khai thác bay an toàn, ngành hàng không cũng cần có cơ chế giám sát, quản lý để thực hiện các giải pháp chống bán phá giá đối với doanh nghiệp vận tải hàng không.
Việc siết chặt quy định về giá sẽ giúp các hãng tránh triệt tiêu lẫn nhau, vì nếu để các hãng cạnh tranh tự do mà không có sự kiểm soát phù hợp thì sẽ dẫn đến sự gia nhập của các hãng mới trong bối cảnh cung đang vượt cầu, các hãng sẽ cạnh tranh về giá và một hoặc nhiều hãng sẽ lâm vào phá sản. Khi đó, các hãng tồn tại có thể ngầm thống nhất giá, chia sẻ thị phần, liên kết để gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, lãnh đạo một hãng hàng không (xin giấu tên) cho biết, doanh nghiệp này đang xây dựng và thực hiện kê khai dải giá với nhiều mức từ thấp đến cao, được mở bán linh hoạt tùy theo thời điểm xuất vé và tình hình thị trường. Dải giá sẽ bao gồm các mức giá thấp hơn và cao hơn so với giá thành của hãng nhằm đảm bảo tỷ lệ lấp đầy trên các chuyến bay và đảm bảo lợi nhuận tối đa.
“Ngoài tính mùa vụ rất cao của ngành hàng không, dịch vụ vận chuyển hàng không còn có đặc điểm là không thể dự trữ. Ví dụ, một máy bay vẫn phải cất cánh đúng giờ với hơn một nửa số ghế phải bỏ trống và có thể chịu lỗ, chứ không thể để các chỗ trống đó lại bán vào giờ khác khi có đông khách có nhu cầu bay. Vì vậy, việc bán dưới giá thành sản xuất trong lĩnh vực hàng không là điều hết sức bình thường”, vị này chia sẻ.