Sôi động cổ phiếu đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với sự sôi động của thị trường thứ cấp, hoạt động bán đấu giá cổ phần bắt đầu vào mùa và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Ảnh: Dũng Minh. Ảnh: Dũng Minh.

Suôn sẻ

Ngày 23/9/2021, phiên đấu giá trọn lô 4,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Vĩnh Sơn trị giá hơn 922 tỷ đồng đã có tổ chức trúng giá, kết quả cao hơn giá khởi điểm gần 9 triệu đồng với giá trung bình 201.046 đồng/cổ phiếu.

Phiên đấu giá có một tổ chức và một cá nhân tham gia. Trong đó, tổ chức đặt 922,5 tỷ đồng và cá nhân đặt 922,49 tỷ đồng, đủ điều kiện để tiến hành phiên đấu giá. Việc thực hiện đấu giá trọn lô 4,6 triệu cổ phiếu Vĩnh Sơn nằm trong kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Viettel theo phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Vĩnh Sơn có vốn điều lệ 1.150 tỷ đồng với 3 cổ đông gồm 2 tổ chức và 1 cá nhân, trong đó cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng 99,9% vốn điều lệ là Viettel (39,9%) và Công ty cổ phần Bất động sản Dragon Village (60%).

Lĩnh vực hoạt động chính của Vĩnh Sơn là bất động sản, Công ty đang triển khai dự án xây dựng Khu đô thị thung lũng Hoa Hồng (Rose Valley) quy mô 75,51 ha tại huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Dự án này chưa mang lại doanh thu vì vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị các bước đầu tư.

Ngày 24/9/2021, phiên đấu giá 10 triệu cổ phần của Công ty Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu có 79 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Trong đó, 1 tổ chức đăng ký mua 1,9 triệu cổ phần, 78 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 13,089 triệu cổ phần. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 14,989 triệu, gần gấp rưỡi lượng chào bán. Phiên đấu giá đã diễn ra thành công với giá bình quân 10.678 đồng/cổ phiếu.

TEG có vốn điều lệ 323 tỷ đồng, 2 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bất động sản và năng lượng, tập trung vào năng lượng tái tạo.

Đợt đấu giá cổ phần này nằm trong kế hoạch huy động vốn cho đầu tư phát triển của TEG, cùng với chào bán 21,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Số tiền thu được từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán công khai ước tính 316 tỷ đồng sẽ dùng để đầu tư và gia tăng sở hữu cổ phần tại Công ty cổ phần Năng lượng Trường Thành (TTP) từ 26,28% lên 90,14% vốn điều lệ.

Trước đợt đấu giá và chốt quyền phát hành cho cổ đông hiện hữu, các nhà đầu tư nước ngoài từ Thái Lan và Hàn Quốc, thông qua Công ty cổ phần Đầu tư Mernus, đã sở hữu gần 19% cổ phần TEG. Theo ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị TEG, đây là các nhà đầu tư muốn đồng hành cùng Công ty trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo tới đây. Mức giá nhà đầu tư mua cổ phần cao hơn khá nhiều so với thị giá cổ phiếu TEG trên sàn.

Thị giá cổ phiếu TEG thời gian qua dao động quanh 14.000 đồng/cổ phiếu, bởi vậy giá khởi điểm của cổ phiếu đấu giá là 10.000 đồng/cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư đánh giá là cơ hội tốt, đặc biệt khi doanh nghiệp có triển vọng phát triển với không ít dự án trong tay. Một bộ phận nhà đầu tư ít thời gian canh bảng điện tử, không quen lướt sóng đã tìm kiếm cơ hội trong các phiên đấu giá như vậy.

Thực tế cũng cho thấy, có những nhà đầu tư đã kiếm lợi khá tốt với cổ phiếu IJC của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC). Cổ phiếu này có giá khởi điểm 12.500 đồng/cổ phiếu khi đấu giá vào cuối năm 2020. 5 tháng sau, thị giá cổ phiếu IJC đạt 25.000 đồng/cổ phiếu, có lúc chạm 34.000 đồng/cổ phiếu (cuối tuần qua là 28.900 đồng/cổ phiếu).

Trước đây, khi thị trường sôi động, các phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) có nhiều nhà đầu tư tham gia, với mong muốn sẽ bán lại ở mức giá cao khi cổ phiếu được niêm yết.

Cao điểm cuối năm

Các đợt thoái vốn đang được SCIC cấp tập triển khai. Ảnh: Dũng Minh

Các đợt thoái vốn đang được SCIC cấp tập triển khai. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường quý cuối năm được nhận định sẽ là cao điểm diễn ra các phiên bán đấu giá cổ phần, trong đó có lượng hàng lớn đến từ các hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo kế hoạch, năm 2021, SCIC sẽ thoái vốn tại 88 doanh nghiệp, bao gồm 31 doanh nghiệp đang niêm yết, hoặc đăng ký giao dịch.

Nếu như nửa đầu năm, các đợt thoái vốn bị ách tắc do thiếu khung pháp về định giá cổ phần, về quy chế bán đấu giá mẫu… thì đến nay, các quy định pháp lý đều đã đầy đủ. Thông tin từ SCIC cho biết, các đợt thoái vốn đang được cấp tập triển khai, trong đó thời gian dài nhất chủ yếu ở khâu định giá doanh nghiệp. Để đảm bảo sự chặt chẽ trong hồ sơ và các thủ tục đấu giá, SCIC thực hiện rất kỹ phần việc này.

Hiện hồ sơ đấu giá 37,6% vốn của Tổng công ty Sông Đà tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) đã được các bên chuyển lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hoàn tất thủ tục đấu giá, với giá khởi điểm 80.000 đồng/cổ phần. Với động thái này, mặc dù các chỉ số tài chính của SJS không “đẹp”, nhưng thị giá cổ phiếu vẫn lên cao và hiện giao dịch quanh 65.000 đồng/cổ phiếu. Yếu tố hấp dẫn ở đây được cho là quỹ đất và các dự án tiềm năng của SJS.

Một doanh nghiệp khác trong diện đấu giá cổ phần là Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam, có vốn điều lệ 438 tỷ đồng, SCIC sở hữu gần 88%. Doanh nghiệp này kinh doanh đì đẹt, thu không đủ bù chi, nhưng vẫn có thị giá trên 15.000 đồng/cổ phiếu, vì được một số bên quan tâm do có quỹ đất ở vị trí đẹp.

Thông thường, trước khi có thông tin chính thức về các đợt thoái vốn nhà nước, thị trường đã có tin hành lang và tác động đến giá cổ phiếu. Khi có thêm thông tin về thời điểm, giá thoái vốn sẽ tạo ra những đợt sóng đối với các cổ phiếu liên quan.

Đơn cử, cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang tăng giá mạnh trước khi SCIC thoái vốn và tiếp tục tăng sau khi nhóm Louis tham gia đầu tư, dù doanh nghiệp không có nhiều điểm hấp dẫn về mặt cơ bản và định giá.

Trong các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn hiện nay có những cái tên (mã chứng khoán) được chú ý như BMI, BVH, CAG, DT4, FIC, FPT, NTP, SAB, SEA, VGT, VNP, VOC.

Trong các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn hiện nay có những cái tên (mã chứng khoán) được chú ý như BMI, BVH, CAG, DT4, FIC, FPT, NTP, SAB, SEA, VGT, VNP, VOC.

Dù vậy, không phải cứ doanh nghiệp lớn, chỉ số hấp dẫn là thu hút được nhà đầu tư, mà còn phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp. Chẳng hạn, đợt thoái vốn của SCIC ở FPT được nhận định sẽ khó khăn khi tỷ lệ sở hữu chỉ xấp xỉ 5%. Ngoài ra, thị giá cổ phiếu FPT hiện gấp đôi giá khởi điểm mà SCIC chào bán cổ phần năm ngoái. Trong khi đó, SCIC thường bán cả lô cổ phần, giá khởi điểm không thấp hơn giá trung bình 30 phiên giao dịch gần nhất.

Huy Nguyên - Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ