“Soi” 3 doanh nghiệp lớn sắp được VNPT và EVN thoái vốn

(ĐTCK) Trong nửa cuối tháng 8, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Điện lực (EVN) sẽ thực hiện các đợt đấu giá thoái vốn tại 3 doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ nghìn tỷ đồng.
“Soi” 3 doanh nghiệp lớn sắp được VNPT và EVN thoái vốn

SPT: lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng, ai mua?

Theo kế hoạch, ngày 29/8 tới, VNPT sẽ bán toàn bộ hơn 10,26 triệu cổ phần, tương đương 8,53% tổng số cổ phần đang lưu hành của Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), với giá khởi điểm 12.487 đồng/CP.

SPT được thành lập năm 1995, hoạt động kinh doanh dựa trên các mảng dịch vụ chính là điện thoại, Internet và chuyển phát bưu chính. Khối kinh doanh trực tiếp của SPT gồm Trung tâm điện thoại Nam Sài Gòn (SST), Công ty Thông tin và Viễn thông Di động S-Telecom, Trung tâm Bưu chính Sài Gòn (SGP)… Vốn điều lệ của SPT hiện nay là 1.203,9 tỷ đồng, trong đó 7 cổ đông lớn (bao gồm VNPT) nắm giữ tổng cộng 77,08%.

Theo Bản cáo bạch, kết quả hoạt động kinh doanh của SPT trong vài năm gần đây bắt đầu có lợi nhuận, nhưng gánh nặng thanh toán nợ từ dự án mạng di động S-Fone (dừng triển khai từ năm 2012) trước đây để lại (dòng tiền mặt luôn bị các đối tác cấn trừ nợ tại nguồn) khiến Công ty thiếu hụt vốn trong các hoạt động thường nhật cũng như phục vụ đầu tư nâng cấp mở rộng. Tính đến cuối năm 2016, SPT còn lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng.

Do nhiều năm liền, SPT gặp khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp mở rộng, nên nguồn thu chủ yếu đến từ việc tập trung khai thác tài nguyên hiện hữu. Chính vì thế, nguồn tài nguyên của Công ty bao gồm mạng truyền dẫn trong nước và quốc tế ngày càng cạn kiệt.

Năm 2016, SPT đạt doanh thu 804,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 38,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2015, hoàn thành lần lượt 80% và 26% kế hoạch. Năm nay, Công ty đặt các chỉ tiêu kế hoạch tương đương năm trước, với 1.000 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

EVN Finance: nợ phải trả gấp 5 lần vốn chủ sở hữu

Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) được thành lập năm 2008, làm đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN, đồng thời cung cấp các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp khác ra thị trường. Hiện Công ty có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, trong đó EVN sở hữu 15%, Ngân hàng TMCP An Bình sở hữu 8,4%, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh sở hữu 1,8%.

Theo kế hoạch, ngày 18/8, EVN sẽ thoái toàn bộ 15% vốn, tương ứng 37,5 triệu cổ phiếu tại EVN Finance, với giá khởi điểm 14.133 đồng/CP.

2 năm qua (2015 - 2016), EVN Finance đạt lợi nhuận sau thuế lần lượt là 134,9 tỷ đồng và 165,5 tỷ đồng. Quý I/2017, Công ty lãi 117,7 tỷ đồng, hoàn thành gần 59% kế hoạch năm (200,5 tỷ đồng).

Thời điểm cuối quý I/2017, Công ty có tổng tài sản hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó tổng nợ phải trả hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm trên 80% và gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.

Thủy điện A Vương: vốn thực góp 750,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.140,8 tỷ đồng

Ngày 22/8, EVN dự kiến thực hiện đấu giá thoái 7,51% vốn điều lệ (5,66 triệu cổ phần) tại Công ty cổ phần Thủy Điện A Vương, thông qua 5 đơn vị đang nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này, với giá khởi điểm 17.000 đồng/CP.

Thủy điện A Vương vốn điều lệ đăng ký 1.120,46 tỷ đồng, vốn thực góp 750,52 tỷ đồng. Công trình Thủy điện A Vương nằm tại tỉnh Quảng Nam, có công suất 210 MW, sản lượng điện năng 815 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 3.867 tỷ đồng. Ngoài Công trình Thủy điện A Vương, Công ty tham gia đầu tư vào các dự án khác như Thủy điện Sông Bung 3A, Thủy điện Sông Bung 4A , Thủy điện Đăk Pring 2.

Với nguồn thu chính từ bán điện thương phẩm, năm 2015 và 2016, Công ty đạt doanh thu lần lượt là 603 tỷ đồng và 597 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng là 143 tỷ đồng và 122 tỷ đồng.

Năm 2017, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 573 tỷ đồng, giảm gần 4%; lợi nhuận trước thuế 124 tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2016; cổ tức dự kiến chia 9%.

Quý I/2017, Công ty đạt 187 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 94,2 tỷ đồng, lãi sau thuế 92,8 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý I/2017, tổng tài sản của Thủy điện A Vương là 2.300,55 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.140,8 tỷ đồng, trong đó có 341,48 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Khuyến nghị chiến lược đầu tư quý III và nửa cuối năm của một số công ty chứng khoán như SSI, PHS, BSC đều lưu ý nhà đầu tư tới cơ hội từ làn sóng cổ phần hóa, niêm yết, thoái vốn của khối doanh nghiệp nhà nước và gốc nhà nước lớn. Trong số 3 cái tên sẽ thực hiện các đợt đấu giá thoái vốn trong nửa cuối tháng 8 này, thương vụ thoái vốn của VNPT tại SPT được dự báo khó thu hút nhà đầu tư.

Thực tế, đầu năm nay, Văn phòng Thành ủy TP. HCM đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại SPT với giá khởi điểm 13.412 đồng/CP, nhưng không thành công, do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục