Số phận buồn của những cổ phiếu thủy sản ngược dòng

0:00 / 0:00
0:00
Ngược dòng với đà tăng của những cổ phiếu ngành thủy sản từ giữa quý II/2021 đến nay, có những cổ phiếu đã, đang rời sàn và khó có cơ hội tìm lại thời kỳ đỉnh cao của chính mình.
Nửa đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 không có nhiều cải thiện. Nửa đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 không có nhiều cải thiện.

TS4 gia nhập nhóm cổ phiếu thủy sản rời HoSE

Từ đầu tuần này, hơn 16,1 triệu cổ phiếu TS4 của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 đã bị hủy niêm yết bắt buộc. Lý do được phía Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa ra là Công ty đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và việc hủy niêm yết là cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Trước đó, Công ty cổ phần Thủy sản số 4 đã nhiều lần bị nhắc nhở về việc chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, báo cáo thường niên năm 2020; chậm công bố giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2020 so với năm 2019, chênh lệch trước và sau khi kiểm toán và giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ, nhấn mạnh đối với báo cáo tài chính năm 2020.

Vào tháng 5/2021, cổ phiếu TS4 đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vì vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo do cùng vi phạm. Sau đó, TS4 bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 23/6 do tiếp tục vi phạm về công bố thông tin.

Theo giải trình từ phía Công ty cổ phần Thủy sản số 4 được công bố cuối tháng 6/2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với việc kinh doanh, bán hàng bị sụt giảm, Công ty phải cho 90% cán bộ, công nhân viên ở các chi nhánh và văn phòng tại TP.HCM nghỉ việc. Các nhân viên còn lại phải đảm nhiệm hết công việc, nên chưa giải quyết kịp thời các vấn đề như tập hợp số liệu, liên hệ với khách hàng để xác nhận công nợ hay các công việc liên quan, khiến việc cung cấp số liệu cho đơn vị kiểm toán bị chậm trễ và không đúng tiến độ.

Đầu tháng 7/2021, HoSE tiếp tục đưa cổ phiếu TS4 vào diện kiểm soát vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 2 năm liên tiếp 2019 và 2020 đều ghi nhận giá trị âm, lần lượt là -9,36 tỷ đồng và -144,28 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2020 là -147,28 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 không có nhiều cải thiện khi doanh thu giảm 6% so với cùng kỳ, đạt hơn 78,6 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty còn phải đối mặt với áp lực nợ vay khá lớn, với tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn tính đến cuối quý II/2021 là gần 596 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu. Tính đến ngày 30/6/2021, khoản lỗ lũy kế của Công ty là hơn 139 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 161,6 tỷ đồng.

Những cổ phiếu một thời huy hoàng

Vài năm trở lại đây, không ít cổ phiếu ngành thủy sản đã phải rời sàn dù từng là những cổ phiếu có tính hấp dẫn cao với giới đầu tư, như HVG, AGF, VNH, ATA… Trong đó, cũng với lý do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, đầu quý III/2020, cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương đã phải rời sàn trong sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư lúc bấy giờ.

Trước đó, đầu năm 2020, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), thông qua công ty con Thadi, đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hùng Vương. Theo đó, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn tại Hùng Vương và góp 65% vốn vào liên doanh sản xuất heo giống có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng với công ty này.

Tưởng chừng mối quan hệ làm ăn trên sẽ làm thay đổi diện mạo của Hùng Vương sau nhiều năm “ngụp lặn”, nhưng hoạt động kinh doanh chưa kịp khởi sắc thì cổ phiếu HVG liên tiếp bị HoSE đưa vào “tầm ngắm” khi bị tạm ngừng giao dịch, rồi vào diện kiểm soát đặc biệt do chậm công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020.

Từ khi cổ phiếu xuống giao dịch ở sàn UPCoM, Công ty cổ phần Hùng Vương cũng không cập nhật thêm một thông tin nào về tình hình hoạt động, cũng như thông tin tài chính. Báo cáo tài chính mới nhất có thể tiếp cận đến nay vẫn là các báo cáo quý I/2020.

Trước khi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa HVG vào diện hạn chế giao dịch trên hệ thống UPCoM ngày 26/7, thì nhóm cổ đông liên quan đến Thaco đã thoái sạch gần 20 triệu cổ phần HVG, cho thấy cuộc giải cứu “vua cá tra” một thời đã bất thành.

Một cổ phiếu thủy sản rời sàn trong năm 2020 khác cũng đáng chú ý là AGF của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) - công ty con của Công ty cổ phần Hùng Vương. Nguyên nhân khiến AGF phải hủy niêm yết bắt buộc là “tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp”.

Agifish được thành lập từ tháng 6/2001 và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán từ tháng 5/2002. Sau 18 năm lên sàn, cổ phiếu AGF đã có rất nhiều biến động, lên cao nhất sát mức giá 50.000 đồng/cổ phần (giá đã điều chỉnh) và giao dịch quanh vùng đáy 2.900 đồng/cổ phần ngay trước khi rời sàn.

Giai đoạn 2017 - 2020, Agifish chìm trong thua lỗ, khi mỗi năm ghi nhận lỗ ròng từ 180 đến 255 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2021, Agifish tiếp tục lỗ ròng 17 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2021 lên 772 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 78 tỷ đồng. Không chỉ đối mặt với áp lực nợ vay tài chính rất lớn, lên tới 468 tỷ đồng, Agifish cũng đang phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 565 tỷ đồng.

Đối với 2 cổ phiếu phải hủy niêm yết bắt buộc năm 2017 là ATA của Công ty cổ phần NTACO và VNH của Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật (đã đổi tên là Công ty cổ phần Đầu tư Việt Việt Nhật), vào giai đoạn hoàng kim, những cổ phiếu này cũng đã chạm ngưỡng 20.000 - 30.000 đồng/cổ phần (theo giá điều chỉnh).

Dù nguyên nhân được đưa ra là do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của NTACO, hay lỗ 3 năm liên tiếp đối với Việt Nhật, thì đằng sau đó lại là những vấn đề được cho là có sự gian lận của ban lãnh đạo cũ. Câu chuyện của 2 doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa có lời giải.

Từ tháng 5/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự chuyển hướng mạnh mẽ của dòng tiền sang nhóm cổ phiếu ngành thuỷ sản. Nhiều cổ phiếu liên tục lập đỉnh như ANV, FMC, VHC… nhờ những thông tin tích cực liên quan đến xuất khẩu và kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục