Khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang bị đình trệ, dự báo chỉ khoảng 30-40% doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất ngay sau thời gian giãn cách xã hội.
Trong tháng 8, sản lượng tôm sản xuất của FMC đạt 1,6 tấn, giảm 32% với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 8, sản lượng tôm sản xuất của FMC đạt 1,6 tấn, giảm 32% với cùng kỳ năm ngoái.

Năng lực sản xuất sụt giảm mạnh

Thông tin được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiết lộ, tính đến cuối tháng 8, có tới 40 - 50% đơn hàng của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu bị giao trễ hạn và có khoảng 10 - 15% đơn hàng bị huỷ. Nhiều nhà nhập khẩu đang quan ngại về khả năng đáp ứng đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Trước mắt, họ vẫn giữ đơn hàng, nhưng tới đây, nếu tình trạng này không được khắc phục, họ có thể cân nhắc việc tìm nguồn cung thay thế. Lo ngại đứt gãy nguồn cung là nỗi lo hiện hữu của các doanh nghiệp thuỷ sản.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế biến thuỷ sản. Bởi lẽ, các doanh nghiệp ngành này chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Nam, tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4.

Ghi nhận từ một số doanh nghiệp chế biến thủy sản cho thấy, doanh thu xuất khẩu đã sụt giảm rất sâu. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), trong tháng 8, sản lượng tôm sản xuất đạt 1,6 tấn, tiêu thụ tôm đạt 11,1 triệu USD, lần lượt giảm 32% và 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

FMC có nửa tháng 8 sản xuất "3 tại chỗ" và nửa tháng còn lại sản xuất ổn định hơn, nhưng sản lượng vẫn chưa thể trở lại tình trạng bình thường như trước đợt bùng phát dịch.

Thống kê của VASEP cho thấy, có tới 30 - 40% nhà máy thuỷ sản ở phía Nam phải đóng cửa, dừng sản xuất.

Thống kê của VASEP cho thấy, có tới 30 - 40% nhà máy thuỷ sản ở phía Nam phải đóng cửa, dừng sản xuất và chỉ có 30 - 40% nhà máy đủ tiêu chuẩn đang hoạt động "3 tại chỗ" nhưng công suất chế biến giảm 50-60% so với trước (do chỉ huy động được khoảng từ 30 - 50% công nhân làm việc). Ước tính, công suất chung cả vùng đã giảm từ 60 - 70%.

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã MPC) đang hoạt động "3 tại chỗ" ở nhà máy tại Cà Mau và Hậu Giang, với 25% công suất. Trong tháng 8/2021, sản lượng và giá trị xuất khẩu của Công ty đã giảm lần lượt 30% và 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung cả nước, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8 chỉ đạt 520 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các ngành chủ lực.

Sản lượng sụt giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp lại đang chịu gánh nặng chi phí lớn. Công ty cổ phần Thuỷ sản Nam Việt (mã ANV) tiến hành sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 20/7/2021. Ngoài lo ăn ở cho công nhân, Công ty còn phụ cấp mỗi công nhân thêm 1,2 triệu đồng/tháng.

Chi phí đầu vào và cước vận tải hàng hóa tăng cao gây áp lực lên biên lợi nhuận của ANV cũng như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Trong quý II, biên lợi nhuận của ANV chỉ đạt 4,9%, dù doanh thu đạt hơn 1.780 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 87,5 tỷ đồng.

Nếu việc giãn cách xã hội tại Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long kéo dài đến cuối tháng 9/2021, doanh nghiệp thuỷ sản đối diện với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và khả năng khó hồi phục lại sản xuất như trước kia. Hiện nay, do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, khâu vận chuyển nguyên vật liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản bị chậm lại, nguồn nguyên vật liệu chỉ còn đủ cho hoạt động sản xuất trong thời gian ngắn.

“Dự báo nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20 - 30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10 - 20% trong những tháng cuối năm”, VASEP cho hay.

Lãnh đạo Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, Công ty đang đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu trong thời gian tới.

Thế giới sắp bước vào mùa tiêu dùng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tôm lớn, nguồn cung ở Indonesia và Ấn Độ bị thiếu hụt do dịch bệnh, các doanh nghiệp tại Việt Nam có cơ hội tốt để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ.

Dù tín hiệu thị trường tích cực, Minh Phú chỉ dám nhận đơn hàng tương đương 50 - 70% công suất chế biến, do lo ngại không đáp ứng được.

Hồi phục sẽ khó khăn

Các doanh nghiệp ngành thuỷ sản đang mong chờ ngày được trở lại trạng thái sản xuất bình thường như trước khi dịch bệnh diễn ra. Thuỷ sản đang vào mùa tiêu thụ tốt nhất trong năm – quý IV. Đây cũng là thời điểm để ngành này có thể tăng tốc, bù cho sự hụt hơi tăng trưởng của những tháng quý III.

Tuy nhiên, khảo sát của VASEP cho thấy, chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực phục hồi năng lực sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, khó khăn trong vận chuyển, mất khách hàng do nghỉ quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng…

Một lý do nữa, doanh nghiệp đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân công, do công nhân người thì đang điều trị Covid-19, người chưa tiêm vắc-xin thì không được đến nhà máy, hoặc về quê chưa quay trở lại…

Hiện nay, tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, số ít doanh nghiệp duy trì hoạt động, chia ca, phân luồng vừa đảm bảo sản xuất vừa chống dịch an toàn.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thuỷ sản Sao Ta (FMC) tại Sóc Trăng, các doanh nghiệp trong tỉnh sau khi thực hiện Chỉ thị 16 được 4 tuần thì từng bước phục hồi hoạt động.

Tuy vậy, doanh nghiệp nào cao nhất cũng chỉ có khoảng 80% công nhân làm việc, có doanh nghiệp chỉ còn khoảng 50% công nhân làm việc. Năng suất, sản lượng chế biến giảm mạnh hơn tỷ lệ công nhân làm việc, do phải thực thi các giải pháp 5K và định kỳ tầm soát y tế làm tốn thời gian.

Dù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng cổ phiếu thuỷ sản vẫn giữ được đà tăng trưởng, đặc biệt ở một số cổ phiếu như VHC, MPC, ASM, ANV…

Chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, thuỷ sản vẫn là một ngành tiềm năng cho giai đoạn quý IV/2021 cũng như kéo dài sang năm 2020 nhờ việc có tỷ trọng xuất khẩu lớn tới các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành này cũng sẽ cải thiện nhờ triển vọng giá bán tăng.

Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 9 tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc-xin, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ”, xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ, có thể đạt 8,5 - 8,6 tỷ USD trong năm 2021.

So với mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản 12 tỷ USD năm 2021, con số dự báo này còn ở khoảng cách khá xa.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục