“Chấp nhận mức lương công ty đề nghị” là yếu tố nằm trong top 3 dẫn đến quyết định tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp theo khảo sát của JobStreet.com Việt Nam. “Điều này cho thấy kỳ vọng về mức lương khi mới tốt nghiệp của sinh viên được các nhà tuyển dụng đánh giá là chưa thật sự hợp lý", mạng tuyển dụng này kết luận và cho biết đây là nguyên nhân làm cho thời gian tìm việc của người mới ra trường kéo dài hơn.
JobStreet.com dẫn một khảo sát khác trên gần 1.600 sinh viên Việt Nam mới ra trường cho biết, mức lương kỳ vọng cho việc làm đầu tiên dao động là từ 3 đến 6 triệu đồng.
Trong đó, 16,16% kỳ vọng mức 3-4 triệu đồng, 35,32% ở mức 4-5 triệu đồng và 21,35% là kỳ vọng ở mức 5-6 triệu đồng.
Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giữa kỳ vọng mức lương và thực tế tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Có đến 68% nhà tuyển dụng tại Malaysia nhận định sinh viên mới tốt nghiệp đang “đòi hỏi mức lương và đãi ngộ phi thực tế”.
Mức lương trung bình mà nhà tuyển dụng nước này đề nghị dao động từ 500 đến 604 đôla trong khi mức kỳ vọng của người mới tốt nghiệp lên đến gần 850 đôla.
Tại Hong Kong, mức lương khởi điểm theo kết quả khảo sát của Universum ở mức 1.772 đôla so với kỳ vọng của sinh viên là 2.252-2.320 đôla.
Tại Singapore, mức lương trung bình mà những sinh viên mới ra trường nhận được chỉ khoảng 1.966 đôla trong khi sự sự kỳ vọng của họ dao động từ 2.416 đến 2.609 đôla.
Mức lương kỳ vọng và thực tế của sinh viên mới ra trường. Nguồn: JobStreet.com Việt Nam
“Trong những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Thái Lan đang chuyển mình từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang mức cao.
Vượt trên cả việc sinh hoạt phí đang tăng nhanh, 2 quốc gia này cũng đang gặp nhiều khó khăn để kiểm soát lao động nước ngoài với yêu cầu mức lương thấp hơn những người lao động nội địa”, bà Angie SW Phang - Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam nhận xét.
Tuy nhiên, theo bà Angie SW Phang, nguyên nhân của việc đòi hỏi mức lương phi thực tế của sinh viên mới ra trường tại Việt Nam nói riêng và các nước nói chung là do nhóm lao động này thuộc thế hệ Y, hay còn gọi là thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials - những người sinh trong giai đoạn 1980-2000).
“Thế hệ này lớn lên từ một môi trường mà đa số các yêu cầu đều được đáp ứng. Đó là chưa tính đến việc sớm tiếp xúc với những dịch vụ trả phí, tiện nghi và giải trí.
Những trải nghiệm này "thẩm thấu" dần trong họ và tạo ra một phong cách sống mà tại đó họ cần nhiều điều kiện vật chất cao hơn, do đó kỳ vọng về mức lương cũng tăng tương ứng”, JobStreet.com bình luận.
Ngoài ra, theo mạng tuyển dụng này, nhiễu thông tin là vấn đề mà rất nhiều lao động gặp phải do có nhiều luồng ý kiến trên những trang mạng, dẫn đến các bạn dễ có góc nhìn sai lệch về nhu cầu và năng lực bản thân.
Do đó, lao động trẻ cần tìm hiểu thêm những thông tin thực tế trước khi đưa ra những đòi hỏi vô lý đến nhà tuyển dụng. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần có những nhìn nhận phân biệt giữa các kỳ vọng vô lý và hợp lý của nhóm lao động này.
Dù muốn hay không, thế hệ Thiên niên kỷ không chỉ là lực lượng lao động hiện tại mà sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai.
Theo thống kê của PwC, thế hệ này đang chiếm 25% lực lượng lao động của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo, con số này sẽ lên đến 50% vào năm 2020.