Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những thay đổi của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sẽ là cơ sở để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, theo đó, thời gian đào tạo các bậc học đai học và trên đại học có thay đổi so với quy định hiện tại. Xin ông cho biết cụ thể những thay đổi này là gì?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới thì thời gian đào tạo trình độ đại học từ 3 đến 5 năm, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ từ 1 đến 2 năm và thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ từ 3 đến 4 năm.
So với qui định hiện hành thì thời gian tối thiểu giảm 1 năm đối với đại học, giữ nguyên đối với thạc sĩ và tăng 1 năm đối với tiến sĩ. Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ thông thường 2 năm; thời gian đào tạo 1 năm dành cho những học viên đã theo học chương trình đại học 5 năm.
Hiện nay khung thời gian đào tạo thường được các nước tham khảo dựa vào tiến trình Bologna của Cộng đồng châu Âu. Theo đó, thời gian đào tạo kể từ khi sinh viên tốt nghiệp tú tài là 3 năm đối với đại học, 5 năm đối với thạc sĩ và 8 năm đối với tiến sĩ.
Nếu xét thời gian đào tạo tối thiểu có thể thấy khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta hướng tới tương thích với khung quốc tế được nhiều nước tham khảo nhất hiện nay.
- Vì sao thời gian đào tạo tối thiểu của bậc đại học lại được rút ngắn 1 năm trong khi thời gian đào tạo tiến sĩ lại tăng thêm 1 năm, thưa ông?
- Ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hiệu quả giảng dạy đã được cải thiện rõ rệt. Việc tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng cho phép sinh viên xây dựng kế hoạch học tập mềm dẻo hơn.
Đào tạo đại học không còn cung cấp kiến thức cho sinh viên là chính như trước đây mà phải hướng dẫn sinh viên phát huy năng lực, phẩm chất. Vì thế sinh viên không nhất thiết phải dành toàn bộ thời gian trên giảng đường mà dành nhiều thời gian hơn để tự học có hướng dẫn, tự nghiên cứu, thảo luận…
Chương trình đào tạo cũng được thiết kế cô đọng hơn, chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cốt lõi, những qui luật chung nhất để trên cơ sở đó sinh viên có thể phát triển tư duy. Tất cả những yếu tố đó giúp rút ngắn được thời gian sinh viên lưu lại trường nhưng kiến thức, kỹ năng mà sinh viên thu nhận được gia tăng.
Trong khi đó, đào tạo trình độ tiến sĩ là đào tạo các nhà nghiên cứu, phát triển tri thức mới. Để đạt được tiêu chí đó, nghiên cứu sinh phải qua những bước chuẩn bị, bổ sung kiến thức, phương pháp nghiên cứu, làm quen với lĩnh vực nghiên cứu mới… điều đó cần nhiều thời gian.
Thực tế mặc dù theo qui định hiện hành thời gian tối thiểu đào tạo bậc tiến sĩ là 2 năm nhưng rất hiếm có nghiên cứu sinh nào có thể kết thúc được luận án của mình trong thời gian tối thiểu này. Ngay cả những nước phát triển, nghiên cứu sinh có điều kiện nghiên cứu tốt hơn nước ta rất nhiều nhưng thời gian làm luận án tối thiểu cũng phải 3 năm.
Thời gian đào tạo ĐH có thể rút xuống chỉ còn 3 năm.
- Việc ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống GD-ĐT và GD đại học nói riêng, thưa ông?
- Khung có cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành của nước ta dựa trên qui định của Luật Giáo dục. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi hệ thống giáo dục và đào tạo của nước ta cũng phải được điều chỉnh đảm bảo độ tương thích nhất định đối với hệ thống giáo dục đào tạo của các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng để trao đổi sinh viên, học sinh, công nhận tín chỉ, văn bằng, công nhận trình độ đào tạo.
Kể từ khi đất nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, ngành giáo dục và đào tạo đã nhanh chóng cập nhật chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, giảm dần sự cách biệt về trình độ giữa sinh viên nước ta và các nước khác. Tuy nhiên đó chỉ mới là phần ngọn.
Việc ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cùng với khung trình độ quốc gia tương thích với các nước ASEAN là nền tảng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
- Cùng với Khung cơ cấu hệ thống GD quốc dân, Chính phủ cũng vừa ban hành Khung trình độ quốc gia. Với hai văn bản này, các cơ sở GD-ĐT từ CĐ đến ĐH sẽ phải thay đổi thiết kế chương trình cho phù hợp. Xin ông cho biết, việc thay đổi này sẽ được tiến hành như thế nào trong thời gian tới?
- Khung trình độ quốc gia qui định chuẩn kiến thức, kỹ năng người học phải đạt được ứng với một trình độ đào tạo. Khung trình độ quốc gia Việt Nam được xây dựng dựa trên Khung trình độ tham chiếu ASEAN gồm 8 bậc. Giáo dục đại học đào tạo nhân lực 3 bậc cao nhất: đại học (bậc 6), thạc sĩ (bậc 7) và tiến sĩ (bậc 8).
Nước ta đã bắt đầu tiến trình xây dựng Khung trình độ quốc gia từ lâu nhưng do tồn tại 2 hệ cao đẳng, 2 hệ trung cấp nên đã gặp khó khăn trong việc đảm bảo tương thích với các nước.
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã giải quyết được bất cập này, qui định thống nhất trình độ cao đẳng (bậc 5) và trình độ trung cấp (bậc 4). Điều này đã tạo thuận lợi cho việc ban hành Khung trình độ quốc gia.
Dựa trên Khung trình độ quốc gia, các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.
Đồng thời với khung thời gian qui định tại khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở đào tạo thiết kế chương trình đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có được kiến thức, kỹ năng tối thiểu đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia.