Tay phải, tay trái của sàn
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech mới đây chia sẻ tâm trạng buồn về những gì đang diễn ra trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Ông dùng cụm từ “vặt lông vịt” để nói về ứng xử của các sàn TMĐT với nhà bán hàng online.
Cụ thể, khi nhóm kín trên mạng xã hội dấy lên thông tin có nhà bán hàng online “kêu như vạc” vì có sàn TMĐT “bên tay phải” thì tăng thời gian trả tiền lên 30 ngày (tổng thời gian “om tiền” của nhà bán hàng online có thể lên đến 45 ngày), còn “bên tay trái” thì giới thiệu luôn dịch vụ “cho vay vốn kinh doanh”. Điều này cũng giống như nhà bán hàng tự vay tiền của chính mình, rồi lại phải trả thêm lãi, phí cho sàn.
Được biết, với chính sách mới của Shopee, từ ngày 8/3/2024, người mua hàng trên sàn TMĐT này có thể trả lại sản phẩm trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận (thay vì 3 - 7 ngày như trước đó) và miễn phí vận chuyển hoàn về. Thậm chí, người mua có thể yêu cầu trả hàng hoặc hoàn tiền với lý do “không còn nhu cầu hoặc thay đổi quyết định sau khi mua hàng”.
Chính sách này tạo hứng khởi cho người tiêu dùng, nhưng không hiếm nhà bán hàng (thương nhân) đồng loạt phản ứng với Shopee ở các hội nhóm trên mạng xã hội.
Họ phản ánh, chính sách mới của Shopee “chèn ép” nhà bán hàng, khiến họ bị “giam vốn” đến nửa tháng, dù đơn hàng đã được người mua “xác nhận”. Trước đó, nhà bán hàng được Shopee thanh toán trong vòng 3 - 5 ngày sau khi khách xác nhận đơn hàng. Sàn TMĐT giữ tiền quá lâu khiến các thương nhân không có vốn để lấy hàng mới và hoạt động buôn bán bị chậm lại.
Ngoài ra, các thương nhân cho rằng, lý do “tăng trải nghiệm khách hàng” của sàn đang khiến gian hàng của họ bị tổn thất nặng nề. Nhiều khách mua hàng, mặc thử nhiều ngày, sản phẩm không còn mới, nhưng vẫn bỏ vào hộp trả lại cửa hàng. Sản phẩm khi giao còn mới, đóng hộp gọn gàng, nhưng khi nhận lại thì không còn nguyên vẹn.
Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông Bình chỉ ra thực tế, sau khi “đốt” hàng tỷ USD để hốt trọn thị trường mua bán hàng hóa online, thì cũng đến lúc các sàn TMĐT phải “vặt lông vịt” để kiếm lời. Điều đáng nói là, các nhà bán hàng Việt Nam đã nghèo lại gặp phải cái eo là hàng Trung Quốc xuyên biên giới giá rẻ tràn ngập trên các sàn TMĐT.
Điều này khiến ông Bình e ngại, đội ngũ thương nhân online người Việt sẽ sớm chẳng còn mấy ai, điệp khúc “thua trên chính sân nhà” sẽ trở thành “trường ca”.
Sở dĩ ông Bình vẫn đau đáu với mảng này, vì ông được cho là một trong những nhân vật khởi nghiệp với sàn TMĐT đầu tiên ở Việt Nam - Chodientu, vào năm 2005. Nỗ lực trong một thập kỷ, cho đến khi không chống đỡ được trong cuộc “so găng” với các sàn TMĐT nước ngoài, ông ngậm ngùi đóng cửa.
Gia tăng thách thức
Câu chuyện của Shopee lần này khiến thị trường TMĐT Việt Nam được phen khuấy động. Giới chuyên gia dự báo, nhiều khả năng, Shopee sẽ bị quật ngã bởi TikTok Shop.
Cụ thể, cục diện thị trường TMĐT Việt Nam tưởng như đã “an bài” với chiến thắng tuyệt đối của Shopee (chiếm thị phần trên 70%). Nhưng TikTok Shop xuất hiện vào tháng 4/2022 và đang vươn lên mạnh mẽ, với hàng chục ngàn đơn hàng sau mỗi lần livestream, trở thành thách thức thực sự đối với các tên tuổi còn lại.
Shopee đang làm mọi cách để giảm thiểu rủi ro, trong đó có việc triển khai Dự án Livestream bán hàng trên sàn của mình.
Nhìn lại lịch sử ngành TMĐT Việt Nam, có thể thấy, việc mô hình mới quật ngã mô hình cũ gần như đã thành quy luật. Thị trường TMĐT 1.0 của Việt Nam vào những năm 2000 là các diễn đàn như Rao Vặt, Én Bạc, Rồng Bay. Trong đó, người bán là tài khoản ẩn danh, sản phẩm được thông tin không đầy đủ; người mua cũng không rõ là ai.
Đến năm 2006, Vatgia.com được khai sinh, đánh dấu sự khởi đầu của TMĐT 2.0. Đây là trang so sánh giá cả, thông tin sản phẩm đầy đủ, quy chuẩn hơn, kiếm tiền bằng việc thu phí gian hàng hằng tháng và quảng cáo. So với TMĐT 1.0, Vatgia.com giải quyết được vấn đề thông tin sản phẩm, xác thực được người bán, có mô hình kinh doanh mạnh hơn TMĐT 1.0, nhưng không nắm được giao dịch và thanh toán.
Cùng thời điểm, Chodientu của ông Nguyễn Hoà Bình được thành lập. Giai đoạn này, nhắc đến TMĐT là nhắc đến Vatgia.com, Chodientu. TMĐT 2.0 tăng trưởng thần tốc, với lực lượng nhân sự giỏi hùng hậu. Vatgia.com nhận được số tiền đầu tư khá lớn từ các quỹ đầu tư.
Tiếp theo, một số tên tuổi khác gia nhập thị trường, như Tiki (2010), Lazada (2012). Hai sàn TMĐT này nắm được giao dịch và kênh thanh toán, có thể thu tiền theo % giao dịch, mạnh hơn so với thu tiền theo gian hàng.
Tiki bắt đầu bằng bán sách theo chiến lược của Amazon. Tháng 3/2012, Tiki được quỹ CyberAgent Ventures (Nhật Bản) đầu tư 500.000 USD, đến tháng 8/2013 tiếp tục được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) rót vốn 1 triệu USD.
Lazada và Tiki xác lập vị trí vững chắc trên thị trường TMĐT Việt Nam, nhưng sau đó, Shopee xuất hiện.
Sau quá trình hoạt động thử nghiệm, Shopee chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2016. Về cơ bản, Shopee có mô hình giống Lazada và Tiki, nhưng có yếu tố mới là ứng dụng trên điện thoại. Giai đoạn này, Lazada và Shopee chạy đua đối đầu qua những lần “đốt tiền”.
Theo giới chuyên môn, bản chất của Shopee vẫn là mô hình TMĐT, nhưng khai thác xu hướng người dùng chuyển dịch từ mua hàng trên máy tính sang mua hàng trên điện thoại. Shopee khai thác nhóm bán hàng nhỏ lẻ, các sản phẩm có giá trị thấp, tệp người mua chủ yếu ở các thành phố cấp 2.
Ngoài ra, Shopee chuyển hóa nhóm bán hàng trên Facebook lên Shopee bằng chương trình miễn phí vận chuyển. Sàn TMĐT này tận dụng triệt để kênh tiếp thị marketing, hay nói cách khác là trả hoa hồng cao cho các nhà sản xuất.
Giai đoạn 2017 - 2019, các tên tuổi phát triển nền tảng liên kết như AccessTrade, MasOffer, Ecomobi đều tăng trưởng thần tốc, đến một nửa doanh thu là từ Shopee. Sau đó, Shopee tự phát triển nền tảng riêng và đã “bóp nghẹt” các tên tuổi này.
Khi Shopee gia nhập thị trường, không nhiều người nghĩ đây là một đối thủ nguy hiểm. Lazada và Tiki đều có phiên bản mobile khá sớm, tuy nhiên, sự tối ưu cho mobile và việc chuyển đổi người dùng sang mobile có vẻ chưa quyết liệt. Thậm chí, cả Lazada và Tiki đều không ngờ xu hướng dịch chuyển sang mobile lại diễn ra nhanh như vậy.
Riêng Lazada đã được Tập đoàn Alibaba Holding mua lại vào năm 2017. Rocket Internet gây dựng Lazada để bán. Năm 2023, Alibaba rót vốn lần thứ ba vào Lazada, đưa tổng số tiền Alibaba rót vào nền tảng này lên tới hơn 1,8 tỷ USD. Công ty đang cố gắng bảo vệ thị phần của mình, chống lại sự cạnh tranh đang gia tăng trong khu vực.
TikTok Shop được nhìn nhận là mô hình TMĐT 4.0, đang trở thành mối đe dọa đối với các doanh nghiệp TMĐT lớn như Shopee và Lazada ở Đông Nam Á. TikTok Shop là kênh TMĐT của ứng dụng video ngắn TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance - gã khổng lồ công nghệ đến từ Trung Quốc. Ứng dụng mua sắm cho phép các thương nhân, thương hiệu và người sáng tạo giới thiệu, bán hàng hóa của họ cho người dùng.
Năm 2022, TikTok Shop mở rộng sang 6 nước Đông Nam Á, gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và phát triển như vũ bão ở các thị trường này.
Tại Việt Nam, tính từ lúc chính thức khai trương (tháng 4/2022), TikTok Shop chỉ cần vỏn vẹn 20 tháng để vươn lên vị trí thứ hai trên thị trường TMĐT. Giới phân tích cho rằng, hiệu ứng mạng lưới, tính liên kết... của TikTok không mạnh như Facebook, nhưng nó mang tính giải trí cao và hợp với Gen Z, nhóm tiêu dùng chính trong xã hội hiện nay.
Dẫu vậy, mọi chuyện mới chỉ là dự báo. Và có thể, khi Shopee đang đi vào giai đoạn “vắt sữa”, thì bên khác đủ tiềm lực sẽ tăng tốc để vượt qua, hoặc sẽ có tân binh nhảy vào tham chiến.
Dư luận còn cho rằng, tên tuổi vượt qua Shopee, nếu có, sẽ là một nền tảng mới, cũng chuyên về mua sắm, phí sàn rẻ, có nhiều chính sách thu hút người bán. Shopee đang thu phí cao, ưu ái shop nước ngoài, nhiều chính sách quá ủng hộ người mua, nên khi người mua trục lợi, shop trong nước sẽ thiệt thòi.
Trong khi đó, TikTok là nền tảng giải trí, mảng mua sắm chỉ là phụ, bao giờ TikTok Shop muốn giảm lỗ, thì các shop sẽ rời đi. Chưa kể, người dùng chính là tệp khách hàng người trẻ, chưa có kinh tế. Giá trị trung bình đơn hàng của TikTok Shop thấp, tỷ lệ đơn thất bại cao. Điểm đáng ngại ở TikTok Shop là việc đánh bóng đơn ảo quá dễ dàng, các shop phá nhau rất dễ. TikTok sẽ cần cải thiện nhiều để tăng chất lượng giao dịch.