Năm ngoái, nhờ sức hút của TikTok và Douyin, doanh thu của ByteDance, công ty mẹ của TikTok đã tăng hơn 30% so với năm 2021, lên mức 80 tỷ USD.
Theo giới chuyên gia, nếu TikTok Shop thành công đạt mục tiêu trên thì đây sẽ là mức tăng trưởng ấn tượng nếu so với con số tổng giá trị hàng hóa (GMV) 4,4 tỷ USD của TikTok Shop trong năm 2022. TikTok đang đặt cược vào các thị trường như Indonesia, nhờ tận dụng người có sức ảnh hưởng (KOL) bán hàng qua livestream.
ByteDance, cũng muốn tăng doanh số bán hàng trên TikTok Shop ở Mỹ và châu Âu, nhưng hai thị trường này chỉ chiếm một phần nhỏ trong mục tiêu đạt doanh thu 20 tỷ USD.
Công ty startup đắt giá nhất thế giới đang cố gắng giành lấy “miếng bánh” lớn hơn trong thị trường thương mại điện tử trị giá tới 17.000 tỷ USD, ngay khi thu nhập từ mảng quảng cáo đang chững lại trong bối cảnh kinh tế suy yếu.
Trên thực tế, các nỗ lực mở rộng mảng thương mại điện tử của TikTok tại Mỹ có thể gặp nhiều khó khăn khi các quan chức Mỹ muốn cấm ứng dụng này vì lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Tuy vậy, việc gây dựng mối quan hệ tốt với các thương hiệu Mỹ có thể giúp TikTok có thêm đồng minh trong quá trình phản bác cáo buộc từ chính phủ Mỹ và tòa án.
TikTok dự định áp dụng mô hình thương mại TikTok Shop ở Trung Quốc cho thị trường Mỹ có 150 triệu người dùng. Để giải quyết lo ngại của Mỹ, TikTok đã đề xuất hàng loạt giải pháp bao gồm các vùng dữ liệu riêng của người dùng Mỹ và cho phép các đối tác như Oracle rà soát công nghệ của họ. Dù vậy, bang Montana (Mỹ) vẫn ra lệnh cấm tải ứng dụng TikTok bắt đầu từ năm 2024 và các nhà lập pháp ở Mỹ cũng đề xuất một lệnh cấm tương tự trên toàn quốc.
Dù vậy, TikTok hiện đang là ứng dụng mạng xã hội gây nghiện nhất tại Mỹ. Trong năm 2022, người dùng trên thiết bị Android ở Mỹ dành trung bình 28,7 giờ mỗi tháng cho TikTok, tăng trưởng đáng kể so với mức 22,8 giờ của năm 2021 và vượt xa đối thủ Facebook.
ByteDance - công ty do Zhang Yiming và Liang Rub thành lập từ 10 năm trước đang vươn mình trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực internet với tổng giá trị khoảng 200 tỷ USD, nhờ vào cơn sốt TikTok và Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok).
Hiện hoạt động mua sắm trực tuyến vẫn chưa phổ biến ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, với thành công vang dội ở Trung Quốc, nền tảng mạng xã hội TikTok vẫn tự tin sẽ đạt được kết quả tích cực ở thị trường phương Tây.
Với TikTok Shop, người dùng được mua hàng trong lúc xem các video ngắn và chương trình phát trực tuyến (live) trên ứng dụng TikTok. Thông qua cách thức này, TikTok đạt được thành công vang dội ở quê nhà và dần chiếm thị phần từ Alibaba Group Holding và JD.com, nhất là trong giai đoạn đại dịch.
TikTok đã trở thành một hiện tượng trong mảng thương mại điện tử và dần trở thành đối thủ đáng gờm của Shopee, Amazon.com, Lazada.
Shawn Yang, Chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus cho biết: "TikTok tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa từ TikTok vào năm 2023 sẽ đạt mức tương đương 20% của Shopee. Theo chúng tôi, sự trỗi dậy của TikTok đã thôi thúc Shopee đẩy mạnh bán hàng và marketing kể từ tháng 4. Họ đang vào thế phòng thủ."
Phát ngôn viên của TikTok cho biết, TikTok Shop tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng khi các tay chơi lớn và nhỏ đều sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng mới.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence, tính đến tháng 5 năm nay, TikTok đã có 135 triệu người dùng ở Đông Nam Á,
Trong đó, Indonesia là quốc gia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ 2 sau Mỹ, với khoảng 113 triệu người.
Sachin Mittal, Trưởng bộ phận nghiên cứu lĩnh vực viễn thông và Internet tại DBS, cho biết: “Lợi thế của TikTok là thôi thúc người dùng mua hàng khi đang xem video”.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu chuyên sâu về bán lẻ trực tuyến Cube Asia, người dùng có mua sắm trên TikTok Shop đang giảm chi tiêu cho Shopee (-51%), Lazada (-45%), kênh offline (-38%) ở Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Hiện TikTok đang đầu tư lớn để phát triển và giành thị phần. Jonathan Woo, Chuyên gia phân tích cấp cao của Phillip Securities Research, cho biết, TikTok đang chi số tiền đáng kinh ngạc để thu hút cả người mua và người bán. Chiến lược này có thể sẽ không bền vững.
Woo ước tính TikTok chi khoảng 600-800 triệu USD/năm cho các ưu đãi này, tức chiếm 6%-8% tổng giá trị bán hàng trong năm 2023.
Để khuyến khích người bán tham gia nền tảng, TikTok Shop đã miễn thu phí hoa hồng khi ra mắt tại Singapore vào tháng 8/2022. Người bán chỉ phải trả phí thanh toán 1%. Trong khi đó, Shopee thu hơn 5% phí hoa hồng, giao dịch và dịch vụ.
TikTok Shop hiện vẫn chiếm một phần nhỏ trong doanh thu 80 tỷ USD của ByteDance. Trong khi đó, mảng thương mại điện tử Shopee của Sea tăng trưởng 18% trong năm 2022, lên mức 73.5 tỷ USD.
Nếu đạt được mục tiêu tham vọng doanh thu 20 tỷ USD, TikTok có thể chứng minh tính thương mại qua nền tảng livestream, thu hút được một lượng người dùng nhất định và có thể giành lấy thị phần từ hoạt động mua sắm trực tuyến truyền thống.