“Sẽ cho dừng bán bảo hiểm nếu sản phẩm không đạt yêu cầu”

(ĐTCK) Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Cục QLBH) - Bộ Tài chính, cho biết, nếu phát hiện vi phạm các quy định có liên quan thì sẽ yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ngừng bán sản phẩm đó để điều chỉnh.
“Sẽ cho dừng bán bảo hiểm nếu sản phẩm không đạt yêu cầu”

 

Sẽ rà lại sản phẩm bảo hiểm, trước mắt là bảo hiểm xe cơ giới

Liên quan đến việc bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới với mức phí thấp hơn biểu phí do Bộ Tài chính ban hành, ông Khánh khẳng định, đây là hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính.

Để ngăn chặn kịp thời tình trạng trên, hồi tháng 4/2013, Cục QLBH đã trình Bộ Tài chính ký Công văn số 4023/BTC-QLBH yêu cầu các DNBH quán triệt, tuân thủ biểu phí bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới. Cục cũng phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) tổ chức 3 đợt kiểm tra trên 10 tỉnh, thành phố và sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các DNBH có hành vi vi phạm về bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới theo quy định tại Nghị định 103/2008/NĐ-CP.

“Sẽ cho dừng bán bảo hiểm nếu sản phẩm không đạt yêu cầu” ảnh 1

Bán bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới thấp hơn biểu phí là vi phạm Nghị định số 103/2008/NĐ-CP

Từ nay đến cuối năm, theo ông Khánh, Cục QLBH sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt hơn việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Nếu phát sinh sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của phát luật. Cùng với đó, Cục sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá việc triển khai các sản phẩm của các DNBH, trước mắt là bảo hiểm xe cơ giới. Trường hợp quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm không đảm bảo an toàn tài chính theo chế độ quy định và ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bảo hiểm thì Cục sẽ yêu cầu DNBH dừng triển khai bán sản phẩm đó để điều chỉnh cho phù hợp.

 

Chưa kiểm tra được nhiều ở cấp chi nhánh

Với công tác thanh tra nói chung, từ đầu năm đến nay, Cục QLBH đã lập đoàn thanh tra và mới đây nhất đã tiến hành thanh tra Công ty liên doanh Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine và đang lập báo cáo kết quả thanh tra. Đồng thời, Cục đã lưu hành kết luận thanh tra CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC). Qua thanh tra, Cục đã kiến nghị DNBH chấn chỉnh các sai phạm. Trong đó, kiến nghị xử lý về hành chính bao gồm: hạch toán tăng thu nhập số tiền 2,2 tỷ đồng; hạch toán giảm chi phí số tiền 3,6 tỷ đồng; hạch toán tăng chi phí số tiền 134 triệu đồng; kiến nghị thu nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước 1,4 tỷ đồng.

Về theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý về thanh tra, Cục QLBH đã tiến hành làm việc với Công ty TNHH Manulife Việt Nam, Công ty TNHH Aon Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị nêu trong kết luận thanh tra tại 2 đơn vị này trong năm 2012. Về cơ bản, 2 doanh nghiệp này cũng đã thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra cả về công tác quản trị, điều hành, quản lý tài chính, xử lý vi phạm hành chính và nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước.

Còn về công tác giám sát, Cục đã giám sát thường xuyên, tổng hợp, phân tích thị trường bảo hiểm, từ đó đánh giá được tình hình thị trường định kỳ theo tháng, quý nhằm có phương thức  quản lý, giám sát phù hợp, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường.

“Thời gian qua, Cục không chỉ đưa ra các báo cáo phân tích và đánh giá hoạt động kinh doanh trong năm 2012 của các DNBH phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm và DN môi giới bảo hiểm mà còn trình Bộ Tài chính ủy quyền cho Cục ký công văn chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm của một số DNBH chưa đảm bảo quy định pháp luật; xử lý những sai phạm và chấn chỉnh hoạt động đầu tư của DNBH nhân thọ”, ông Khánh nói.

Mặc dù công tác kiểm tra giám sát đã được đẩy mạnh, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, đại diện Cục QLBH thừa nhận. Đó là, do số lượng cán bộ còn thiếu nên số lượng DN được thanh tra, kiểm tra chưa nhiều, việc kiểm tra mới chủ yếu dừng ở trụ sở chính chứ chưa đến được nhiều chi nhánh của DNBH.

Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Cục đã tiếp nhận 23 đơn, trong đó có 22 đơn khiếu nại, 1 đơn tố cáo. Đơn khiếu nại chủ yếu là tranh chấp trong việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm và tranh chấp trong hợp đồng đại lý; đây là tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của DN bảo hiểm. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, sau khi nhận đơn khiếu nại, Cục cũng đã trình Bộ Tài chính ủy quyền ký các công văn yêu cầu DNBH nhanh chóng giải quyết, bảo đảm quyền lợi của khách hàng và đại lý bảo hiểm.

 

6 tháng cuối năm 2013, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm sẽ:

 

* Tiếp tục thanh tra Bảo Việt Tokyo Marine, ACE Life, BIC và VNI;

 

* Kiểm tra toàn diện (hoạt động kinh doanh và công tác quản lý tài chính) tại 5 DN bảo hiểm phi nhân thọ (Bảo Long, MIC, Liên hiệp, Cathay và MSIG) và 5 DN môi giới bảo hiểm (Marsh, Gras Savoye, Nam Á, Việt Quốc và Á Đông);

 

* Kiểm tra theo chuyên đề (về tài chính kế toán, quản lý đại lý và đánh giá lại giải định tính phí) tại 5 DN bảo hiểm nhân thọ: Bảo Việt, Prudential, AIA, Prevoir và Great Eastern;

 

* Kiểm tra các văn phòng đại diện theo chương trình, kế hoạch hàng năm.

Diệu Minh
Diệu Minh

Tin cùng chuyên mục