Phố Wall đã có 2 tuần tăng liên tiếp với kỳ vọng cuộc khủng hoảng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm được lối ra, đặc biệt là sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Agrentina cuối tuần qua. Sau cuộc gặp này, 2 bên đã đạt được thỏa thuận tạm đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày để tiến hành các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ Ba, nhà đầu tư đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ hào hứng sang hoảng loạn với nỗi lo suy thoái kinh tế từ tín hiệu đường cong lãi suất “đảo ngược”.
Theo đó, lợi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ xuống mức thấp nhất từ giữa tháng 9 và cũng giảm sự chênh lệnh với lãi suất kỳ hạn 2 năm xuống mức thấp nhất hơn 1 thập kỷ. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 - 3 năm vượt lên trên lợi suất loại kỳ hạn 5 năm - một hiện tượng được các nhà phân tích gọi là đường cong lãi suất “đảo ngược”.
Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu về khả năng một cuộc suy thoái kinh tế.
Thêm vào đó, sau khi đạt được thỏa thuận tạm đình chiến cuối tuần trước, ông Trump đã lên tiếng cảnh báo rằng sẽ trở lại kế hoạch tăng thuế với hàng hóa nhập từ Trung Quốc nếu 2 bên không thể giải quyết được sự khác biệt.
Ngoài ra, việc Anh thất bại trong việc thông qua thỏa thuận Brexit cũng khiến giới đầu tư lo lắng.
Tất cả các yếu tố trên đã khiến giới đầu tư ồ ạt bán tháo trong phiên thứ Ba, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall lao dốc hơn 3%, đánh mất hết cả chì lẫn chài của 2 phiên trước đó. Trong phiên thứ Tư, phố Wall sẽ nghỉ giao dịch ngày quốc tang cố Tổng thống George HW Bush.
Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Dow Jones giảm 799,36 điểm (-3,10%), xuống 25.027,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 90,31 điểm (-3,24%), xuống 2.700,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 283,09 điểm (-3,80%), xuống 7.158,43 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù không hoảng loạn như nhà đầu tư trên phố Wall, nhưng các chỉ số chính của thị trường này cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm khi nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng chấm dứt chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đường cong lãi suất đảo ngược tại Mỹ cũng khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu e ngại bán ra.
Kết thúc phiên 4/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 39,65 điểm (-0,56%), xuống 7.022,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 130,14 điểm (-1,14%), xuống 11.335,32 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 41,32 điểm (-0,82%), xuống 5.012,66 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng lao dốc trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhóm cổ phiếu xuất khẩu và tài chính. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc hạ nhiệt khi nhà đầu tư nhận thấy rằng, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm căng thẳng, trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm.
Kết thúc phiên 4/12, số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 538,71 điểm (-2,39%), xuống 22.036,05điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,16 điểm (+0,42%), lên 2.665,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 78,40 điểm (+0,29%), lên 27.260,44 điểm.
Trong khi chứng khoán lao dốc do nhà đầu tư hoảng loại trước hàng loạt thông tin tiêu cực, thì đây chính là động lực để giá vàng đi lên. Giá kim loại quý tiếp tục có phiên tăng tốt để leo lên mức cao nhất 5 tuần trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 4/12, giá vàng giao ngay tăng 7,7 USD (+0,63%), lên 1.238,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 7,2 USD/ounce (+0,58%), lên 1.241,1 USD/ounce.
Tương tự giá vàng, giá dầu thô tiếp tục duy trì được đà tăng trong phiên thứ Ba, nhưng đà tăng hãm đi khá nhiều do giới đầu tư nghi ngờ về việc Mỹ - Trung sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, trong khi việc giảm sản lượng của các nhà sản xuất lớn có thể gặp trở ngại bởi Nga.
Kết thúc phiên 4/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,3 USD (+0,57%), lên 53,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,39 USD (+0,63%), lên 62,08 USD/thùng.